|
Sàn giao dịch vận tải hứa hẹn tạo bước đột phá trong lĩnh vực vận tải, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế...
Sàn giao dịch vận tải hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong lĩnh vực vận tải, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, bởi khi đó chủ hàng và doanh nghiệp sẽ được kết nối, minh bạch hóa chi phí, hạn chế tối đa việc xe tải chạy "rỗng" chiều về...
Kết nối trực tuyến các phương thức vận tải
Tại Hội thảo quốc tế xây dựng sàn giao dịch vận tải trực tuyến do Tổng cục Đường bộ VN tổ chức mới đây, ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, sàn giao dịch vận tải (GDVT) là sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các đơn vị vận tải hàng hóa. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics (đơn vị vận tải) và các khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa (chủ hàng) đăng thông tin về khả năng cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, hàng hóa cần chuyên chở và tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
“Các đơn vị vận tải tham gia sàn GDVT được kiểm chứng về năng lực, uy tín và các cam kết về vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng. Đây là nơi kết nối các phương thức vận tải với nhau, giúp cho các đơn vị vận tải sử dụng năng lực vận tải hai chiều, giảm chi phí vận tải. Các đơn vị kinh doanh sàn GDVT được nhận một khoản thu nhập nhất định từ các đơn vị vận tải”, ông Thủy nói.
"Sàn giao dịch vận tải còn giúp cho việc thông quan qua cửa khẩu nhanh hơn. Trước khi một chuyến hàng đến cửa khẩu 30 phút, hải quan đã nắm được thông tin hàng hoá dự kiến thông quan vì thông tin đã được cấp cho hải quan để cho đi qua làn xanh (cho thông quan) hay làn đỏ (dừng lại kiểm tra) nên việc kiểm soát nhanh chóng hơn”.
Ông Jonathan Kok Giám đốc Trung tâm tạo thuận lợi cho thương mại Crimson Logistic |
Chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng sàn giao dịch vận tải tại Thái Lan, GS. Rutth Banmyong, ĐH Thammasat (Thái Lan) cho biết, vận tải hàng hoá bằng đường bộ ở Thái Lan chiếm tới 80%. Trước đây, theo thống kê có tới 66% các chuyến xe chở hàng đi mà chiều về không có hàng (chạy rỗng). Vì thế, sàn GDVT ở Thái Lan đã được thành lập từ năm 2006 để giải quyết tình trạng này.
Theo GS. Rutth Banmyong, khi sàn GDVT đi vào hoạt động không chỉ kết nối chủ hàng với doanh nghiệp vận tải mà còn là sàn đấu giá hàng hoá để thực hiện các hợp đồng vận tải nhằm giảm tối đa chi phí. Các thành viên sẽ đăng tải thông tin về hàng hoá chiều đi và về. Thông tin của các doanh nghiệp vận tải được gửi cho các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển. Nếu họ thấy phù hợp sẽ có phản hồi, liên hệ trực tiếp rồi tiến tới đàm phán về mức giá, chất lượng dịch vụ và nhiều điều khoản khác để tìm được đối tác tin cậy.
Để thực hiện, các bên tham gia sàn đều phải đăng ký thông tin và đóng phí thành viên (member ship) với nhà cung cấp dịch vụ. Khi đó, với các thông tin của nhà cung cấp dịch vụ vận tải về các chuyến hàng đi - về, chủ hàng có thể biết được hành trình, số lượng hàng hoá trên một chuyến xe để có những đàm phán nhằm tối ưu hiệu quả của một chuyến đi. Nếu một chuyến xe không phải chạy “rỗng” chiều về, giá cước vận tải chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều, đem lại lợi ích cho cả chủ hàng lẫn doanh nghiệp vận tải.
“Sàn GDVT sẽ đánh giá được các yếu tố như: Chi phí, thời gian vận chuyển, độ tin cậy (có đúng giờ hay không, tổn hao hàng hoá gì không...) để chủ hàng có sự lựa chọn. Vì thế, chủ hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn”, GS. Rutth Banmyong cho biết.
Đánh giá vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc điều tiết, kết nối giữa các bên để tăng hiệu quả kinh doanh qua sàn GDVT, ông Jonathan Kok, Giám đốc Trung tâm tạo thuận lợi cho thương mại Crimson Logistic (Singapore) đưa ra so sánh, nếu chi phí vận tải/tổng chi phí ở Trung Quốc là 20% thì ở Mỹ chỉ có 8%. Vì thế, theo ông Jonathan Kok, bài toán cần giải ở đây chính là làm sao để mỗi chuyến xe đều đầy tải cả chiều đi lẫn chiều về hoặc một chuyến đi có thể vận chuyển cho nhiều đơn hàng khác nhau để không bị non tải.
Sẽ thực hiện vào năm 2016
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, hiện nay, chủ doanh nghiệp vận tải không muốn công khai minh bạch về khối lượng hàng hóa, giá cước, khả năng vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, bị cướp mối hàng. Để khắc phục tình trạng này, việc tổ chức sàn GDVT là rất cần thiết. Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã kiến nghị Bộ GTVT nhanh chóng triển khai sàn GDVT không để tình trạng như hiện nay gây bức xúc và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
“Hiệp hội đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, biên soạn giáo trình về sàn GDVT để giảng dạy trong các trường CĐ-ĐH về GTVT đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý vận tải về nội dung này. Ở cấp Chính phủ cần có Nghị định về sàn GDVT để tăng mức độ điều chỉnh. Sau đó, các Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn để đảm bảo hoạt động của sàn theo đúng các cơ chế của thị trường”, ông Thanh kiến nghị.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc quản lý vận tải đường bộ hiện vẫn còn lạc hậu, phân tán gây tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ vận tải, ATGT và cạnh tranh không lành mạnh, chở hàng quá tải. Việc quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải còn yếu kém, lạc hậu.
Theo ông Quyền, để từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa công tác quản lý, Tổng cục đang triển khai xây dựng thí điểm sàn GDVT trực tuyến với mục tiêu giúp các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có thông tin, tổ chức vận tải hợp lý, hiệu quả, ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải, khắc phục được vận tải hàng hóa chiều chạy “rỗng”, đồng thời làm cho thị trường vận tải minh bạch, giảm chi phí vận tải, khắc phục được khâu trung gian ăn hoa hồng.
“Tổng cục đã trình Bộ GTVT đề án về việc thí điểm thành lập sàn GDVT và đã được Bộ phê duyệt. Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng phần mềm quản lý. Theo lộ trình, đến đầu năm 2016, sàn GDVT sẽ chính thức đi vào hoạt động”, ông Quyền cho biết thêm.
Theo báo Giao thông.
|