Các dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, thủ tục hải quan...) của Việt Nam đều kém hơn đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
TS Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) đã phân tích với Đất Việt trước tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây phản ánh hiện quả vải Việt Nam không cạnh tranh được với quả vải Trung Quốc ở thị trường Mỹ, Úc do giá thành cao hơn rất nhiều.
Khó khăn đã được báo trước
Theo TS Trần Công Thắng, những điểm không thuận lợi này của Việt Nam khi quả vải bước chân vào thị trường Mỹ, Úc không phải quá bất ngờ mà thực tế doanh nghiệp đã biết rõ từ trước.
Dẫn minh chứng từ việc Việt Nam xuất khẩu gạo sang Philippines khi so sánh với Thái Lan, TS Thắng cho biết các chi phí của mình đều cao hơn 30% so với nước bạn. Theo đó, các chi phí này được tính vào các khâu cầu cảng, hao hụt, vận chuyển… khiến 'ăn' vào giá thành sản phẩm nhiều hơn.
"Có thể thấy rằng các dịch vụ logistics (bao gồm một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận…) của mình đều kém hơn.
Các chỉ số logistics, tiếp cận thị trường, hải quan… đều làm đội giá lên mặc dù thời gian qua chúng ta đã cải tiến rất nhiều.
Nói chung chi phí dịch vụ của Việt Nam mình rất đắt. Đặc biệt đối với hàng trái cây đi Mỹ còn thêm chi phí chiếu xạ. Mà chi phí này hiện cũng rất đắt nên chuyện giá thành bị đẩy lên cao là đương nhiên", TS Thắng phân tích.
Theo TS Thắng: "Tất cả những thông tin này các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, chôm chôm...trước đó đều đã biết rất rõ. Riêng vải thì năm nay mới vào thị trường Mỹ nên có thể chưa biết được đối thủ cạnh tranh lợi hại như thế nào", ông Thắng nhìn nhận.
Nên cạnh tranh bằng chất lượng
Câu chuyện cạnh tranh về giá đang trở thành rào cản khi quả vải vừa hào hứng bước chân vào thị trường mới sau nhiều cố gắng, song nguy cơ không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc có thể khiến doanh nghiệp nghĩ tới chuyện rút lui khỏi thị trường đang là lo ngại được đặt ra.
|
Vải thiều đi Mỹ phải qua các khâu kiểm định rất gắt gao |
Chia sẻ lo ngại này, TS Trần Công Thắng cho rằng việc cạnh tranh khi mình đã hội nhập là chuyện đương nhiên. Nhưng khó khăn đó khiến doanh nghiệp chùn bước cũng là điều dễ hiểu.
Theo báo Đất Việt.
Tuy nhiên phải thấy một điều rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu nhưng cũng có nhiều dấu hiệu tốt vì đã xuất khẩu được mấy chục tấn.
Nhưng tôi cho rằng ít nhất mới vào biết được điểm yếu. Quan trọng là phải xem lại chất lượng và giá thành. Về chất lượng có thể thấy bạn hàng đã có đánh giá quả vải Việt rất ngon và nổi trội. Vì vậy nên cạnh tranh bằng chất lượng", TS Thắng gợi ý.
Phân tích thêm về sự thiệt hơn, ông Thắng cho rằng khi bước vào thực tế gặp sản phẩm cạnh tranh về giá phải bình tĩnh để xem điểm yếu ở đâu và điều chỉnh, cải thiện để nâng cao khả năng.
"Đúng là khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong khi thị trường khác thì có vẻ dễ hơn. Nhưng với thị trường này chúng ta phải mất tới 5 năm phấn đấu với biết bao nhiêu cố gắng chứ không phải ngày một ngày hai để quả vải vào được thị trường Mỹ. Vì vậy phải hết sức bình tĩnh để tìm giải pháp", TS Thắng khuyên.
|