Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP cho rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.
Bốn năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế châu Á đã góp phần kéo tăng trưởng toàn cầu, trong đó Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng hơn 9% cũng tạo thuận lợi cho các nước láng giềng.
Tuy nhiên, đến nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng kéo tụt các nền kinh tế láng giềng. Nó bộc lộ những điểm yếu ở các nền kinh tế khu vực từ nhu cầu vay nợ của Indonesia đến nợ hộ gia đình Hàn Quốc lên kỷ lục, hay vấn nạn tham nhũng ở Philippines kìm hãm các dự án phát triển hạ tầng.
Theo số liệu của Bloomberg, tăng trưởng GDP của 9 trong số 12 nền kinh tế châu Á chủ chốt không đạt dự báo do xuất khẩu giảm. Đà suy giảm tăng trưởng của các nước từ Ấn Độ đến Malaysia và Hàn Quốc một phần là do Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Trung Quốc ước tính tăng trưởng 6,8% trong quý II, thấp hơn mục tiêu 7% mà chính phủ nước này đặt ra cho cả năm 2015.
Hơn nữa, không giống thời kỳ 2008 – 2009 khi các nước tung ra một loạt gói kích thích quy mô lớn, hiện nay, châu Á đang vật lộn với nợ công. Tại một số nền kinh tế, lãi suất thập chí đã xuống thấp kỷ lục. Giá dầu giảm giúp giảm mức tiêu tốn ngân sách nhưng cũng đống nghĩa với việc chi tiêu cũng giảm.
Tăng trưởng chậm lại khiến châu Á sẽ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa tài chính như nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone, Mỹ tăng lãi suất. Việc Mỹ nâng lãi suất có thể dẫn đến tình trạng bốc hơi nguồn vốn khỏi châu Á và làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ công.
Các nước châu Á bị cho là ảnh hưởng nhiều nhất bởi kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ là Malaysia và Indonesia. Đồng rupiah của Indonesia đã giảm 7% kể từ đầu năm so với USD, trong khi ringgit Malaysia giảm gần 8%.
Trong khi đó, điểm sáng còn sót lại của châu Á là tăng trưởng đi lên của Việt Nam và Ấn Độ. Trong một bài bình luận hồi tháng 4, Bloomberg cho rằng, kết cấu dân số trẻ và chi phí nhân công thấp đang là những “điểm cộng” giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của châu Á.
Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP cho rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Không chỉ lấy được vị thế là trung tâm sản xuất giá rẻ thay thế cho nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam cũng là một điểm đến ổn định về mặt chính trị đối với các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang muốn đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
Theo Bloomberg.