Bất ngờ bị điều chỉnh áp thuế từ 0% lên 5%, sắn lát xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khi giá xuất khẩu bị đội lên 12 USD/tấn và không thể cạnh tranh được với các nước lân cận.
Từ gần 1 tháng qua, tình trạng ứ đọng sắn lát đã diễn ra ở tất cả các kho hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Chủ doanh nghiệp Thành Tâm ở Bình Định cho biết, năng lực thu mua và xuất khẩu của họ đạt từ 150.000 - 200.000 tấn/năm, nhưng hiện nay, hơn 50.000 tấn sắn lát đang bị tồn kho. Người dân không bán được hàng trong khi giá thành đang tăng lên từng ngày với các chi phí lưu kho, chi phí do hao hụt chất lượng, trọng lượng hay chi phí phun khử trùng chống mối mọt và quan trọng nhất là lãi vay.
Với 50.000 tấn sắn lát tồn kho, doanh nghiệp này bị ứ đọng vốn 250 tỷ đồng và phải trả lãi ngân hàng 1,2 tỷ đồng/tháng. Đây không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp. Cả tỉnh Bình Định đang bị tồn kho khoảng 163.000 tấn và thiệt hại của các doanh nghiệp đang rất lớn.
Hàng hóa đã được thu mua từ nông dân với tất cả các tính toán về chi phí, giá xuất khẩu cũng đã đàm phán nhưng gánh nặng thuế xuất khẩu 5% gần như chặn đứng sự chung chuyển luồng hàng. Đến hạn đáo nợ, doanh nghiệp buộc phải bán dưới giá thành.
Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát điêu đứng vì ứ đọng hàng thì tại các vùng nguyên liệu, người dân đã bắt trồng sắn vụ mùa mới từ tháng 4 mà không biết rằng, mặt hàng nông sản mà họ đang kỳ vọng để xóa đói giảm nghèo đang đứng trước nguy cơ mất giá trong mùa thu hoạch tới.
Theo VTV