|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thị sát tuyến luồng tại ĐBSCL và tìm biện pháp gỡ khó cho DN đường thủy nội địa.
Ngày 2/8, Thứ trưởng Nguyễn Nhật và Đoàn công tác của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thị sát nhiều tuyến luồng tại tỉnh Tiền Giang, Long An; làm việc với nhiều sở, ngành, doanh nghiệp nhằm gỡ khó cho vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ)
ĐTNĐ khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập
Báo cáo với Thứ trưởng và Đoàn công tác, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm cho biết, Rạch Gầm là doanh nghiệp vận tải ĐTNĐ lớn nhất khu vực ĐBSCL, với số vốn 650 tỷ đồng, doanh thu 300 tỷ đồng/năm. Hiện doanh nghiệp này đảm nhận hầu hết vận tải thủy nội địa tại tỉnh Tiền Giang và nhiều tuyến sông kênh ĐBSCL, mỗi năm vận chuyển khoảng 4 triệu tấn hàng hóa chủ yếu là nông sản, cát đá, vật liệu xây dựng…
Theo đại diện Rạch Gầm, một số vướng mắc đang gây khó cho HTX cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải ĐTNĐ như: Quy định bắt buộc thuyền trưởng tàu sông hạng 1 phải tốt nghiệp THPT. Điều này đối với khu vực ĐBSCL là rất khó vì các thuyền viên thường đi lên bằng thực tiễn kinh nghiệm, việc học hành rất thấp đã dẫn đến tình trạng thiếu thuyền trưởng một cách nghiêm trọng.
Tình trạng chồng chéo vùng nước giữa Hàng hải và ĐTNĐ cũng đã và đang gây nên nhiều nhiều phiền phức, khó khăn cho thuyền viên. Nhiều năm nay, quy hoạch cảng bến ở Tiền Giang chưa được duyệt, quy hoạch về giao thông tĩnh, đất đai cho ĐTNĐ… còn nhiều bất cập.
Đại diện Cảnh sát Đường thủy tỉnh Tiền Giang cho hay, mặc dù tình hình TNGT thủy nội địa thời gian qua giảm nhưng trên nhiều tuyến sông kênh đang phổ biến tình trạng phương tiện chở quá tải trọng cho phép, có khi vượt tới 500 tấn, trong khi luồng lạch không đảm bảo. Chẳng hạn như luồng kênh Chợ Gạo rất hay bị cạn, trong khi hệ thống biển cảnh báo còn thiếu nhiều…
Đại diện Sở GTVT Tiền Giang cũng kiến nghị đẩy nhanh nạo vét nửa tuyến luồng còn lại của kênh Chợ Gạo ở phía bờ Nam, bổ sung biển báo, khu vực được phép neo đậu cho tàu thuyền.
Một số thuyền viên cũng phản ánh về tình trạng các công trình vượt sông có chiều cao tĩnh không thuyền quá thấp, không đảm bảo cho phương tiện lưu thông, đi lại rất khó khăn. Hiện phí bốc dỡ cho khách hàng còn thả nổi, các cảng tự phát ra giá chứ không theo quy định nào. Cước vận chuyển 1 tấn hàng từ Tiền Giang đi TP HCM là 80.000 đồng thì cước bốc dỡ đã chiếm 30.000 đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III cho biết Cảng vụ thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cán bộ, xã viên, thuyền viên khi hoạt động trên đường thủy phải phản ánh thường xuyên, kịp thời cho lực lượng Cảng vụ về tình hình ATGT trên luồng, cảng bến… để kịp thời xử lý, khắc phục thiếu sót hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông…
Gỡ khó để doanh nghiệp ĐTNĐ phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã giải đáp nhiều vướng mắc của các đại biểu và thống nhất theo đề xuất của đại diện HTX Rạch Gầm về vấn đề đạo tạo nguồn nhân lực. Theo quan điểm cá nhân, Thứ trưởng cho rằng, việc công nhận thuyền trưởng không có bằng tốt nghiệp cấp 3 tại khu vực ĐBSCL là điều nên làm, chỉ cần họ học hết lớp 9 và đảm bảo một số yêu cầu cần thiết.
“Vừa rồi, Bộ GTVT và trường Đại học Hàng hải đã làm một đề tài sỹ quan trực ca không cần qua trung cấp và đại học. Thay vì phải thi, học đại học 5 năm, sau đó ra đi tàu một thời gian thì mới được cấp bằng, hiện tại,chỉ cần tốt nghiệp THPT, được đào tạo 2 năm cũng có thể đảm trách công việc này”, Thứ trưởng thông tin.
Về ý kiến cho rằng có sự chồng chéo giữa hai vùng nước, Thứ trưởng chỉ đạo chỉ được thu phí một vùng nước. Vùng nước nào Hàng hải thu rồi thì ĐTNĐ không thu nữa và ngược lại, chỉ được thu một lần. Phải tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển ĐTNĐ.
Kênh Chợ Gạo đang làm giai đoạn 1, sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Đối với các công trình vượt sông thiếu tĩnh không thuyền, Thứ trưởng cho biết nguyên nhân là do nhiều cầu cống được xây dựng thời kỳ trước và sau giải phóng, thiếu quy hoạch, không có thiết kế chuẩn mực. Qua quá trình khảo sát, ghi nhận có rất nhiều cầu ngăn cản vận tải thủy nội địa. Hiện Bộ GTVT và các địa phương đang khắc phục tình trạng này. Cầu nào thấp quá thì làm lại, cầu xây mới thì phải theo quy hoạch chuẩn. Sở ngành chức năng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; quy hoạch các bến thủy; đảm bảo an toàn ĐTNĐ…
“Việc các đơn vị xin nạo vét luồng, địa phương cũng cần hết sức lưu ý bởi đã xảy ra thực trạng là chỗ nào có cát thì người ta nạo vét, còn không thì bỏ lại, không theo chuẩn tắc, phá vỡ kết cấu luồng. Bất cứ có nạo vét xã hội hóa nào trên địa bàn thì phải thông báo rộng rãi như cung cấp thông tin cho Đại biểu Quốc hội, HĐND, Cảnh sát Đường thủy, báo chí… để có sự theo dõi, giám sát cộng đồng", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Theo báo Giao thông.
|