|
Các doanh nghiệp khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% vào sáng nay 12-8 là động thái tích cực cho hoạt động xuất khẩu của họ.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung nói: “Tôi cho rằng việc điều chỉnh là đúng để thích ứng với thời điểm này… Điều các doanh nghiệp chúng tôi mong muốn là đồng tiền được định giá đúng, khi chúng ta theo cơ chế thị trường, hãy đưa (giá tiền) về thị trường”.
Bà Dung cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá là “chưa đủ” nhưng cũng là một trong các yếu tố “rất quan trọng” giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trong bối cảnh Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ.
Theo bà Dung, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ thì sẽ ảnh hưởng hai chiều đến các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu.
“Khi đồng tiền họ phá giá, thì đương nhiên hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chúng ta cũng nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn nên cũng dễ cạnh tranh hơn,” bà nói.
Ngành dệt may nhập khẩu 42% nhu cầu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất trong nước.
“Tuy nhiên, về dài hạn thì đây là điều rất đáng lo,” bà Dung nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, động thái của NHNN là “linh hoạt, và dễ hiểu”.
“NHNN năm nay đã điều chỉnh tỷ giá thêm 2% rồi, và nay là dùng đến công cụ biên độ rộng ra, bản chất là để tiền đồng linh hoạt hơn, mất giá thêm một tý, và chúng ta có thể hiểu, tỷ giá dịch chuyển theo hướng thêm 1%. Ứng xử của chúng ta như thế là điều dễ hiểu”, ông Phước nói.
Về thương mại, ông Phước tỏ ra lo ngại: “Trước đây, chúng ta đã nhập siêu từ Trung Quốc rồi, nay đồng nhân dân tệ tiếp tục hạ xuống, thì nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ thêm tràn ngập thị trường Việt Nam.”
Trong trường hợp đó, ông cho rằng cần phải sử dụng hàng rào kỹ thuật để đối phó với hàng từ Trung Quốc.
“Nền kinh tế của chúng ta cần tăng sức đề kháng. Muốn nền kinh tế tăng sức đề kháng, chúng ta phải thiết lập các nhân tố để kinh tế vĩ mô ổn định. Trước hết (các nhân tố này) phải nằm trong cán cân thanh toán của chúng ta”, ông nói.
Ông phân tích, năm nay Việt Nam có thể nhập siêu 5-7 tỉ đô la Mỹ, không phải là “vấn đề quá lớn” do nền kinh tế được bù đắp bởi kiều hối dự kiến 12-14 tỉ đô la Mỹ, có nghĩa là cán cân vốn thặng dư.
“Chúng ta phải lưu ý một điều, nếu dòng vốn rút khỏi Trung Quốc thì một phần sẽ phải hướng đến những nền kinh tế hứa hẹn như Việt Nam,” ông nói.
“Đương nhiên, chúng ta phải xem tuần này, tháng tới Trung Quốc còn làm gì tiếp theo với đồng tiền của họ,” ông nói.
Theo NHNN, biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
Xuất khẩu nông, thủy sản bị ảnh hưởng vì Trung Quốc
Sau khi đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm ngày thứ hai liên tiếp, tức giảm gần 4% so với đô la Mỹ chỉ trong 2 ngày, lập tức giới kinh doanh nông sản trong nước - những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc- tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, theo những người trong ngành, cần phải có thời gian mới biết được chính xác tác động thế nào.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về khả năng tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc bởi quyết định trên của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: “Chắc chắn sẽ có tác động”.
Theo ông Hòe, với động thái trên, giá xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của họ đẩy mạnh bán hàng hóa ra bên ngoài; nhưng ngược lại, Việt Nam muốn xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, nếu giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, “và đương nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào đây cũng gặp khó”, ông nói.
Tuy nhiên, vấn đề tác động ra sao, như thế nào…, thì cần phải có thời gian xem xét phản ứng của thị trường và nó còn phụ thuộc vào phương thức mua bán, thanh toán của doanh nghiệp trong nước với đối tác...
Ngoài ra, theo ông Hòe, động thái trên của PBoC, cũng có thể làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp Trung Quốc trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thứ ba. “Mục đích phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là để tăng cường lợi thế xuất khẩu (giá bán cạnh tranh hơn), trong đó có những mặt hàng giống mình (Việt Nam) chẳng hạn như cá rô phi, tôm, thì có nguy cơ doanh nghiệp trong nước sẽ bị thất thế”, ông cho biết.
Trong khi đó, đối với ngành hàng lúa gạo- xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong những năm gần đây chiếm khoảng 30-40% tỉ trọng toàn ngành - ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho rằng trước mắt mặt hàng này vẫn chưa có sự biến động nào bởi quyết định trên của PBoC.
Tuy nhiên, theo ông trên lý thuyết nó sẽ có tác động, “nhưng muốn đánh giá được tác động cụ thể như thế nào, ra sao…, thì cần phải có thời gian mới có thể khẳng định được”, ông cho biết.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tính đến ngày 20-6-2015, tổng khối lượng hợp xuất khẩu gạo được doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ký bán cho Trung Quốc (bao gồm cả hợp đồng tiểu ngạch) đạt 1,650 triệu tấn, trong đó hợp đồng còn lại chưa giao đạt xấp xỉ 860.000 tấn.
Được biết, ngay sau động thái của PBoC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có quyết định điều chỉnh biên độ dao động của tỷ giá từ mức +/-1% lên mức +/-2% và có hiệu lực từ hôm nay 12-8.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho rằng so với mức phá giá của đồng nhân dân tệ, đạt tổng cộng gần 4% trong 2 ngày qua (11 và 12-8-2015) của PBoC, thì mức điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về cơ bản vẫn chưa thể giúp được cho doanh nghiệp xuất khẩu bán nông sản vào Trung Quốc.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
|