Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã sụt giảm rất mạnh với chỉ số sức mua (PMI) rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm, gây thêm lo ngại về tình trạng trì trệ của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Theo số liệu tạm thời (số liệu chính thức của tháng 8 sẽ được công bố ngày 1-9 tới) do Công ty Markit vừa công bố, PMI, chỉ số chủ chốt phản ánh tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, trong tháng 8 đã rơi xuống mức 47,1 điểm so với mức 47,8 của tháng 7. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009 đến nay.
Chỉ số PMI trên 50 có nghĩa là hoạt động sản xuất đang tăng, còn dưới 50 có nghĩa sản xuất đang giảm. Trong quý II, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn ổn định ở mức 7% nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Bắc Kinh, nhưng ngày càng có thêm nhiều dấu hiệu đáng ngại. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó sản xuất công nghiệp cũng giảm mạnh.
Chỉ số PMI vừa được công bố càng khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng nên thị trường chứng khoán Thượng Hải phiên cuối tuần qua vào giờ đóng cửa đã sụt hơn 4%. Như vậy, trong vòng 1 tuần chỉ số này đã sụt 11% điểm. Với tốc độ mất đà như hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo chính phủ Bắc Kinh khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 7% cho năm nay.
Tình trạng trì trệ của kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng đến không ít quốc gia. Đáng lo ngại nhất các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu trước viễn cảnh hụt hơi của nền kinh tế, vốn tiêu thụ đến 51% lượng than toàn cầu, 50% quặng đồng hay 11% dầu mỏ. Thiệt hại nặng nhất là các quốc gia Brazil, với 20% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó là Nga, Chile, Argentina, Australia và các quốc gia vùng Vịnh.
Nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm cũng sẽ kéo giá nguyên nhiên liệu xuống mạnh, gián tiếp có lợi cho các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đối với các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay New Zealand, mức sụt giá này không bù lại được thiệt hại do xuất khẩu giảm, bởi tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước này vốn rất lớn (10,1% GDP Hàn Quốc, 16,7% GDP Singapore hay 4,2% GDP New Zealand)
Việc đồng NDT liên tục bị phá giá thời gian qua đã khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới phải thực hiện chính sách tương tự. Kazakhstan cũng phá giá đồng nội tệ đến 4,4% trong bối cảnh từ đầu năm nay, đồng tiền các nước đang phát triển đều mất giá kỷ lục từ Brazil (-23,4%) đến Nga (-11,7%), Malaysia (-14,8%) hay Indonesia (-10,6%).
Hầu hết các nhà phân tích được Le Monde đặt câu hỏi đều dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục phá giá đồng NDT để hỗ trợ kinh tế mặc dù Trung Quốc không có lợi gì khi leo thang chiến tranh tiền tệ với các nước Á châu.
Trong 1 năm qua, Trung Quốc phải tiêu phí 345 tỷ USD trong trữ lượng ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế. Chỉ riêng tháng 7, Bắc Kinh đã chi ra 42,5 tỷ USD. Một chuyên gia kinh tế nhận định Trung Quốc đang ở trong môi trường kinh tế tài chính cực kỳ xấu và bất lợi nhất từ 20 năm nay. Chuyên gia kinh tế người Pháp Francois Godement khẳng định Trung Quốc không phải là một cường quốc kinh tế.
Việc nhiều người hiện bi quan về tương lai Trung Quốc không hợp lý bởi chưa bao giờ Trung Quốc là đầu tàu kinh tế thế giới. Trung Quốc thực chất bán nhiều hơn mua, cũng không vay tiền nước ngoài. Sự kiện kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại chẳng qua là để điều chỉnh và chuyển sang một mô hình khác.
Theo saigondautu