Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 8 đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,18 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu giảm rất mạnh ở các mặt hàng nông sản chủ lực như gào, cà phê, cao su.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 8/2015 ước đạt 2,38 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng đầu năm 2015 lên 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,18 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (33,1%), cao su (10,2%) và gạo (13,1%).
Cụ thể, đối với mặt hàng cà phê: Xuất khẩu cà phê trong tháng 8/2015 ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 175 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 874 nghìn tấn với tổng giá trị 1,79 tỷ USD, giảm 32,7% về khối lượng và giảm 33,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.060 USD/tấn, tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 14,9% và 11,28%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, thị trường cà phê trong nước biến động mạnh trong tháng 8. Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 8, giá cà phê trong nước có xu hướng tăng, tuy nhiên xu hướngnày đã đổi chiều trong tuần tiếp theo. So với cuối tháng 7, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên vẫn giữ mức 35.600 – 36.000 đ/kg.
Vụ thu hoạch cà phê sẽ diễn ra trong quý IV năm nay, nhưng nông dân và giới thương nhân nội địa vẫn chưa xả bán lượng hàng tồn kho để hạn chế việc cà phê tiếp tục đà giảm giá. Dự trữ cà phê chưa bán đã tăng mạnh so với mức dự trữ năm ngoái khi giá không đạt kỳ vọng, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Dự báo, vụ thu hoạch mới bắt đầu sẽ gia tăng áp lực lên giá cà phê nội địa Việt Nam.
Mặt hàng gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2015 ước đạt 505 nghìn tấn với giá trị đạt 228 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,09 triệu tấn và 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015 với 35,21% thị phần. Bẩy tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 7,2% về khối lượng và giảm 12,46% về giá trị).
Đáng chú ý nhất là thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 95,96%về khối lượng và tăng 74,22% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,71% thị phần.
Các thị trường có sự giảm đột biến trong 7tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 34,34% về khối lượng và giảm 38,58% về giá trị), Singapore (giảm 40,48% về khối lượng và giảm 36,84% về giá trị), và Hồng Kông (giảm 28,45% về khối lượng và giảm 34,49% về giá trị).
Mặt hàng cao su: Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8 năm 2015 đạt 111 nghìn tấn với giá trị 159 triệu USD, với ước tính này 8 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 632 nghìn tấn, giá trị đạt 922 triệu USD, tăng 11,2% về khối lượng nhưng giảm 10,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 1.462 USD/tấn, giảm 20,19% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015, chiếm 72% thị phần. So với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2015 tăng ở thị trường Trung Quốc (13,51%), còn lại đều giảm ở 9 thị trường chính.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tác động tới nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cao su. Giá cao su nguyên liệu trong tháng 8 giảm mạnh, với giá mủ loại 32 độ/kg tại Bình Phước hiện được thu mua với giá là 6.720 đ/kg, giảm so với 7.040 đ/kg hồi đầu tháng. Giá cao su thành phẩm tại BìnhPhước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cũng đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá cao suSVR3L giảm 2.400 đ/kg, từ mức 26.200 đ/kg (31/7) xuống còn 23.800 đ/kg (21/8); cao su SVR10 giảm 2.000 đ/kg, từ 21.600 đ/kg xuống còn 19.600 đ/kg.
Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, hạt điều là mặt hàng duy nhất có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, khối lượng xuất khẩu điều 8 tháng đầu năm 2015 đạt 214 nghìn tấn với 1,55 tỷ USD, tăng 8,4% về khối lượng và tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 7.274 USD/tấn, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 36,55%, 12,43% và 11,95% tổng giá trị xuất khẩu.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng khá cao. Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8/2015 ước đạt 194 nghìn tấn, với giá trị đạt 77 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 8 tháng đầu năm 2015 đạt 3,05 triệu tấn với giá trị 951 triệu USD, tăng 29,6% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,31% thị phần, tăng 41,47% về khối lượng và tăng 36,26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản (hơn 2 lần) và Đài Loan (65,83%).
Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 15,33 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 11,575 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam