Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng để đón thời cơ từ hội nhập thì doanh nghiệp trong nước vẫn loay hoay
Nói đến hội nhập, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) thừa nhận hiểu biết của họ về hội nhập chỉ mới hiện diện trên bàn cà phê để “chém gió” chứ chưa được đưa vào chiến lược kinh doanh. DN chưa định vị được mình đang ở đâu, muốn đi về đâu.
Thuyền thúng ra biển lớn
Bắt đầu xuất khẩu máy xay lúa sang Thái Lan, Indonesia, Philippines từ năm 1996, đến nay, Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ đã đặt văn phòng đại diện ở Jakarta và làm ăn khá tốt tại Indonesia cũng như một số thị trường Đông Nam Á. Từ những sản phẩm ban đầu là máy móc cơ khí nông nghiệp, sau khi tham quan các nhà máy, nắm bắt xu hướng phát triển và nhu cầu của khách hàng, công ty này đã cải thiện máy móc thiết bị, mở rộng sang lĩnh vực máy chế biến hạt ngũ cốc và cà phê.
Lãnh đạo của công ty cho biết khi hội nhập, thị trường chung sẽ đặt ra cho DN những vấn đề mới trong quản trị thương hiệu, kênh phân phối, đại lý... Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ là một trong những DN nhỏ và vừa ít ỏi đã nỗ lực vươn ra thị trường chung của khu vực.
Chỉ riêng trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), mặc dù xác định triển vọng là khá tốt nhưng đến nay, nhiều DN vẫn chưa quan tâm, sẵn sàng để hội nhập. Trong khi từ 5 năm trước, nhiều DN của Thái Lan nhận thức việc trở thành thành viên AEC nên đã định hướng, làm nhiều cách để tận dụng việc làm ăn của mình ở các quốc gia trong ASEAN.
Không chỉ thiếu chuẩn bị ở thị trường chung 600 triệu dân, hầu hết DN Việt còn lơ là trước khoảng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, đã dùng hình ảnh các DN đứng trước hội nhập như những đội thuyền thúng ra biển lớn.
DN lớn chỉ chiếm 1,9% là điều không bình thường và nền kinh tế đang thiếu những DN cỡ vừa nên không tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu. Lúc này, dù hàng loạt tên tuổi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có mặt ở Việt Nam và xuất khẩu ra khắp thế giới nhưng không kết nối được vào khu vực nội địa của Việt Nam. “DN nhỏ và vừa đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng chưa lớn lên được, không hình thành nên những DN cỡ vừa để kết nối vào tập đoàn lớn hơn” - ông Lộc nhận xét.
Quá thụ động
Ông Ngô Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho rằng có cảm giác các DN FDI đã sẵn sàng, chuẩn bị rất kỹ cho các FTA, còn DN trong nước thì “bình chân như vại”. Khối FDI rất mạnh về vốn, họ lại thông thạo thị trường. Còn DN trong nước nội lực kém, hoạt động nhỏ lẻ và thói quen làm ăn “được chăng hay chớ” nên đứng trước cơ hội lớn từ FTA bị khối DN ngoại lấn át.
Đơn cử ngành dệt may, khối FDI hiện chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu và xu hướng lấn lướt này tiếp tục gia tăng trong tương lai. Hay với ngành da giày, cũng là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và nằm trong nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, nguy cơ DN nội không tận dụng được lợi thế từ FTA mà nhường cho nước ngoài là rất lớn. Năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách đạt 13,5-14 tỉ USD nhưng khối FDI chiếm tới hơn 75% giá trị xuất khẩu.
Khẳng định hội nhập là bắt buộc, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết những DN nào chủ động hội nhập thì có nhiều cơ hội thành công hơn. Ông Thiên cũng thừa nhận DN - đối tượng chính của hội nhập kinh tế - đang hiểu biết rất ít về hội nhập. Nhiều DN không biết các FTA, bản thân từng ngành, từng DN có những cơ hội gì, phải đối mặt với thách thức cụ thể ra sao.
“Tôi rất lo vì cuộc chơi quá lớn nhưng còn rất ít dư địa. Việt Nam hội nhập sâu rộng, bản thân mỗi DN phải trả lời được câu hỏi mình hội nhập dựa trên nền tảng nào. Một chuỗi các hiệp định Việt Nam đã và sẽ ký có đẳng cấp cực kỳ cao, tiến đến tự do hóa gần như tuyệt đối trong khi chúng ta luôn yếu nhất, kém nhất. Hội nhập WTO do không chuẩn bị tốt nên Việt Nam không tận dụng được thời cơ, vì thế tăng trưởng thấp hơn mức tiềm năng. Còn với các FTA, với thực trạng chuẩn bị của các DN như hiện nay thì thách thức sẽ vượt trội hơn thời cơ” - TS Thiên lo ngại.
Muốn tồn tại, phải tạo khác biệt
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết ngành thủy sản Việt Nam những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, giá thành sản xuất tôm thường cao hơn các nước trong khu vực từ 10%-20%. Minh Phú hiện là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, DN đứng thứ 2 thế giới doanh số chỉ bằng 1/2 Minh Phú. Thành công này là nhờ Minh Phú đã tạo ra được giá trị khác biệt, ứng dụng công nghệ để giảm giá thành.
“Chúng tôi sản xuất những mặt hàng cao cấp, có giá trị gia tăng mà đối thủ không thể làm được, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng để giá thành phải giảm nhưng chất lượng vẫn tốt. Sự khác biệt này thường phải đi trước 5-10 năm bởi chỉ sau khoảng 3 năm, các DN khác sẽ bắt kịp nên lợi thế cạnh tranh của mình phải đủ lớn để tồn tại, nhất là khi các FTA đang cận kề” - ông Quang chia sẻ.
Theo Người lao động.