Nếu giá dầu thế giới còn 30 USD/thùng sẽ khiến GDP Việt Nam sụt 0,3% trong khi 7 tháng qua, xuất khẩu đã mất 2,18 tỉ USD…
Thị trường đang chứng kiến đà lao dốc mạnh mẽ của giá dầu khi cập nhật đến cuối ngày 24-8, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ là 38,58 USD/thùng, giảm 1,64 USD/thùng so với mức giá 40,22 USD/thùng khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 23-8. Diễn biến cả ngày cũng ghi nhận giá dầu lên xuống quanh mốc 39 USD/thùng. So với thời điểm này năm ngoái, giá dầu WTI đã giảm khoảng 58%.
GDP sẽ giảm
Theo TS Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngưỡng hòa vốn trung bình của việc khai thác dầu đá phiến tại Mỹ vào năm 2015 là 50 USD/thùng. Cạnh đó, do mức giá hòa vốn của nhiều nước OPEC chỉ ở mức dưới 30 USD/thùng nên nếu dựa vào chi phí sản xuất thì giá dầu thế giới có thể giảm xuống mức 30 USD hoặc thấp hơn.
Nếu dựa vào năng lực tích trữ thì giá dầu thế giới có thể ở mức 35-40 USD/thùng, còn khả năng giá dầu giảm xuống 20 USD/thùng là rất khó xảy ra. Dẫn dự báo mới nhất (ngày 21-8) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), theo ông Khôi, giá dầu trung bình quý III/2015 có thể là 55,96 USD/thùng và quý IV/2015 nhích lên 56,76 USD/thùng. Trung bình cả năm 2015, theo dự báo, giá dầu là 56,2 USD/thùng.
Tuy vậy, phương án giá dầu tụt xuống 30 USD/thùng cũng đã được đại diện Ban Kinh tế thế giới tính toán đến. Theo đó, TS Lương Văn Khôi cho biết nếu giá dầu ở 30 USD/thùng thì xuất khẩu năm 2016 sẽ tăng 1 phần trăm và nhập khẩu tăng 0,4 phần trăm. Tốc độ phát triển kinh tế năm 2016 sẽ giảm 0,3% nếu đã tính toán đến các tác động chung nhiều chiều.
Nhìn chung, giá dầu thô giảm sẽ tác động đến thu ngân sách bởi Việt Nam là quốc gia có nguồn thu ngân sách phụ thuộc lớn vào dầu thô, lên đến 20% tổng ngân sách. Về cân đối thu chi ngân sách nhà nước, rõ ràng đầu thu vào giảm sút từ việc xuất khẩu dầu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các phần chi ngân sách cho nền kinh tế cũng như an sinh xã hội”.
Hôm 24-8, giá dầu thế giới xuống thấp nhất trong hơn 6 năm qua sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tuột dốc. Trong ảnh: Bảng giá nhiên liệu tại một cây xăng ở Tokyo - Nhật Bản Ảnh: Reuters
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2015, lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,44 triệu tấn; tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, do đơn giá dầu thô bình quân giảm tới 47,8% nên trị giá xuất khẩu dầu thô của cả nước chỉ đạt 2,46 tỉ USD; giảm 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 2,18 tỉ USD).
Ở chiều nhập khẩu, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, cả nước đã nhập khẩu 5,93 triệu tấn xăng dầu với giá trị đạt 3,42 tỉ USD; tăng 8,4% về lượng và giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Cơ hội cải cách
Cũng giống như ở các kịch bản trước, kịch bản giá dầu ở 30 USD/thùng tiếp tục được nhìn nhận ở cả 2 mặt là tích cực và tiêu cực. Để ứng phó, cần có những biện pháp nhằm khai thác triệt để các lợi ích từ đó mang lại, đồng thời hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đến tình hình vĩ mô.
Ở mặt tích cực, giá dầu giảm giúp chi phí đầu vào của các ngành sản xuất - kinh doanh giảm, doanh nghiệp được kích thích hoạt động tốt hơn, kéo theo tăng trưởng mạnh kinh tế và tăng thu cho ngân sách. Cần phải thấy giá dầu giảm là cơ hội tốt để cải cách toàn diện nền kinh tế thực, cụ thể là khu vực doanh nghiệp vì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chỉ đạt được 40% hiệu quả tối ưu. Làm được điều này sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Đây đồng thời là cơ hội để Việt Nam hạn chế khai thác tài nguyên thô, giảm sự phụ thuộc của ngân sách vào nguồn thu này.
Cụ thể hơn nữa, cần tập trung vào cải cách hệ thống thuế. TS Lê Văn Khôi phân tích thêm: “Bởi lẽ, nền kinh tế tăng trưởng nhờ giá dầu giảm thì rõ ràng nhà nước thu được thuế nhưng nguồn thu này chưa hiệu quả bởi thất thoát thuế hiện rất lớn. Cải cách hệ thống thuế sẽ giúp tận dụng hết hiệu quả từ việc tăng thu thuế”.
Ông Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) nhìn nhận diễn biến giá dầu giảm dưới góc độ có lợi cho các nền kinh tế như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây đều là các đối tác kinh tế lớn nên khi các nền kinh tế này được cải thiện thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ hưởng lợi.
Về việc cân đối khai thác dầu thô trong nước, ông Thụy cho rằng giá thành khai thác dầu thô tại một số mỏ ở Việt Nam trung bình chỉ là 20 USD/thùng nên dù giá dầu thế giới giảm thì bán ra vẫn có lãi. Dù vậy, có những mỏ cần chi phí khai thác đến 35-40 USD/thùng thì phải có phương án sản xuất hợp lý khi giá dầu giảm để không bị lỗ.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi giá bán thấp hơn chi phí khai thác thì cần phải xem xét dừng khai thác một số giếng dầu để bảo đảm không bị thiệt hại.
Theo Người lao động.