Trong 8 tháng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 22 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Sau Mỹ là các thị trường EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cũng trong 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt hơn 106 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 32 tỷ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 75 tỷ USD, tăng gần 15%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 20 tỷ USD, tăng hơn 31%; hàng dệt may đạt 15 tỷ USD, tăng gần 11%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng xấp xỉ 52%; giày dép đạt 8 tỷ USD, tăng 21%; máy móc thiết bị dụng.
Thông tin Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là một tin vui đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi để xuất khẩu vào Mỹ, các mặt hàng phải đảm bảo không vấp phải những rào cản của nước này, mà các rào cản rất nhiều và ngày càng dày đặc. Nếu hàng Việt Nam lọt qua được chứng tỏ Việt Nam tiến bộ và đây sẽ là giấy thông hành để hàng hóa Việt Nam đi tất cả các thị trường khác.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu, như nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, đó là những mặt hàng dựa vào thâm dụng lao động và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Ngay cả đối với thị trường Mỹ, khi trao đổi với Đất Việt trước đây, không ít chuyên gia đã bày tỏ sự lo lắng liệu Việt Nam có tận dụng được thời cơ mới, nhất là sau khi ký TPP có đẩy mạnh hợp tác toàn diện hai nước hay không.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái bày tỏ: "Trước mắt nỗi lo là về chất lượng của xuất khẩu. Tuy giá trị xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng được tạo ra ở nước ta chỉ 10-20% , cũng có nghĩa là Việt Nam đang xuất khẩu “hộ” 80% giá trị cho nước khác vào Hoa Kỳ (!)".
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương dẫn ví dụ về nguy cơ đối với hàng dệt may Việt Nam: "Phải thấy rằng ngành hàng dệt may Việt Nam trong những năm gần đây xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản... tương đối tốt vì có sự cải thiện nhất định. Trước đây, hơn 80% nguyên liệu đầu của dệt may phải nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng hiện tụt xuống dưới 70%, thậm chí ngành dệt may còn có một vài mặt hàng nguyên liệu xuất khẩu ra nước ngoài chứ không đơn thuần là gia công.
Nếu cứ tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc thì khi ký TPP, Việt Nam không có C/O, tức chứng nhận xuất xứ là hàng Việt Nam và không được hưởng thuế suất 0%. Vì vậy, để đón nhận TPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm cách nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ các nước thuộc TPP. Phải tăng cường nhập khẩu công nghệ để phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, kể cả nhuộm, dệt... Dĩ nhiên để làm được việc này không phải ngày một ngày hai mà cần có sự đầu tư và chính sách.
Một cảnh báo cần lưu ý là gần đây Trung Quốc đầu tư nhiều vào ngành dệt may Việt Nam. Việt Nam cần thận trọng vì nếu không, Trung Quốc sẽ nấp dưới danh nghĩa Made in Vietnam để lợi dụng việc giảm thuế sắp tới trong TPP để xuất khẩu vào thị trường Mỹ".
Ngày 30/8, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc và Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường nước ngoài lớn thứ tư đối với các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo đó, giá trị hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt hơn 16 tỷ USD, vượt mức hơn 15 tỷ USD mà Hàn Quốc xuất sang Nhật Bản.
Theo BÁO ĐẤT VIỆT