Vì sao Việt Nam có nhiều lợi thế, nguồn nhân lực trẻ, tài nguyên phong phú dồi dào nhưng xếp hạng nền kinh tế vẫn kém xa so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Phillippnes. Chúng ta có thực sự thua kém không?
Câu trả lời là không. Vậy điều gì cản trở chúng ta? Giới chuyên gia đã thống nhất một quan điểm, đó chính là thể chế kinh tế.
Trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại”, học giả Acemoglu và Robinson đã chỉ ra rằng nguyên nhân các quốc gia thất bại là do thể chế và nguyên nhân quyết định sự thịnh vượng hay nghèo đòi của một quốc gia cũng là thể chế.
Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới nhằm chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cải cách đã tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế tăng trưởng tích cực, nâng cao vị thế đất nước.
Vậy nhưng, tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu vừa diễn ra, giới chuyên gia nhận xét rằng, trong giai đoạn sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, Việt Nam chưa có được những cải cách thể chế có hiệu lực và tầm vóc đủ lớn nhằm tranh thủ tốt các cơ hội mà tiến trình hội nhập quốc tế đem lại cũng như kế thừa và phát huy quán tính tích cực từ những cải cách trước đó.
Trong một môi trường kinh doanh kém cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã làm ăn thua lỗ, phá sản ngừng hoạt động và niềm tin của thị trường giảm sút.
Chính phủ đã nhận ra nút thắt trên và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra quan điểm rõ ràng: “Việt Nam không thể chấp nhận vị trí hiện tại về năng lực cạnh tranh quốc gia. Chúng ta không có lý do gì không cải thiện được môi trường kinh doanh”. Chính phủ đã nỗ lực thay đổi, còn doanh nghiệp càng phải tích cực đề ra chiến lược, giải pháp để tiếp tục phát triển.
Trong buổi gặp mặt 100 đại biểu doanh nhân trẻ xuất sắc 2015 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, doanh nghiệp là hạt nhân của nền kinh tế tạo ra của cải vật chất, nguồn lực cho đất nước, xã hội.
Các doanh nghiệp cần xung kích đi đầu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, nhất là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, cơ cấu lại bản thân doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả, góp phần mang lại thịnh vượng cho doanh nghiệp, đất nước.
Trên thực tế, từ những ngày đất nước còn chiến tranh cho đến nay, giới công thương hay nói rộng hơn là giới doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho ngân sách quốc gia và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.
Nay đất nước đã bước sang giai đoạn mới, hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp song cũng là cơ hội nếu doanh nghiệp biết tận dụng để phát triển nhanh.
Khó khăn sẽ tôi luyện cho doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam vượt lên, tạo lập nền tảng bền vững, có thêm sức mạnh để đương đầu với mọi thách thức trên thương trường.
Theo ĐTCK