Theo tính toán của Bộ Tài Chính, tổng số nợ thuế được xóa cho một số Doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung có thể lên đến 1.000 tỷ đồng.
Ngày 1/9, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Theo đó, Bộ đề cập tới vấn đề về xóa nợ tiền phạt do chậm nộp thuế và tiền chậm nộp thuế cho một số đối tượng liên quan đến nợ xấu, khó có khả năng thu hồi nhất là các khoản nợ phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tái cấu trúc.
Bộ tính toán, đối với DNNN thực hiện sắp xếp lại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xóa nợ tiền thuế nếu có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế của thời kỳ trước chưa được trừ vào vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu, nếu được xóa thì ước tính số tiền thuế được xóa là 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng các quy định về xoá nợ tiền thuế nằm trong Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 21/2012/QH12) chưa bao quát được hết các trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là các khoản nợ phát sinh trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu.
Cơ quan này nhấn mạnh đây là vấn đề tồn đọng lớn do Luật hiện hành chưa có cơ chế để giải quyết. Bộ Tài chính đề nghị cho phép xóa nợ cho những DNNN thuộc diện này thông qua bổ sung các doanh nghiệp này vào khoản 4 vào Điều 65 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11.
Đánh giá tác động phương án đề xuất, Bộ cho rằng quy định mới sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ trong các trường hợp: DNNN đã có quyết định giải thể; DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa được xử lý nợ thuế, pháp nhân mới không chịu trách nhiệm về khoản nợ này, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu lại DNNN.
Theo Vinanet.