Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố báo cáo mang tên “Buôn bán nông sản Mỹ-Cuba: Quá khứ, hiện tại và triển vọng tương lai”, trong đó đề ra mục tiêu đưa lượng lương thực xuất khẩu của nền kinh tế số 1 thế giới này sang Cuba trở lại mức trước cuộc Cách mạng Cuba.
Báo cáo dựa trên tình hình sản xuất, tiêu thụ hiện tại của Cuba và triển vọng kinh tế sau khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tham chiếu trường hợp của Cộng hòa Dominicana, quốc gia có đặc điểm tương đồng với Cuba về diện tích, dân số và đặc biệt là chủng loại sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ, báo cáo dự báo xuất khẩu lương thực từ Mỹ sang Cuba có thể tăng gấp 3 lần mức hiện tại xét về số lượng, trong đó tập trung vào các mặt hàng như gạo, lúa mì, sữa bột, pho mát, đậu khô và dầu đậu tương mà hiện Cuba vẫn đang phải nhập khẩu từ một thị trường ngoài Mỹ.
Năm 2000, Mỹ đã đặc cách cho phép các doanh nghiệp nước này xuất khẩu các mặt hàng lương thực sang Cuba như một ngoại lệ của lệnh cấm vận, tuy nhiên sau những năm đầu tăng trưởng thuận lợi và đạt doanh thu 710 triệu USD hồi năm 2008, những doanh nghiệp này ngày càng khó cạnh tranh với các đối thủ từ các quốc gia khác do những hạn chế tài chính ngặt nghèo của Chính phủ Mỹ.
Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, giá trị xuất khẩu lương thực của nước này sang Cuba năm 2014 chỉ đạt 291 triệu USD, giảm so với mức 349 triệu của năm 2013 và trong nửa đầu năm nay, chỉ số này tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 119 triệu USD.
Trong khi đó, Cuba vẫn đang phải nhập khẩu mỗi năm từ 60 tới 70% lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ trong nước, và theo ước tính năm ngoái, nước này đã chi khoảng 2 tỷ USD để mua lương thực từ nước ngoài và trong năm nay, con số này có thể lên mức 2,2 tỷ USD.
Vì lý do trên, hiện các tập đoàn nông nghiệp đang đi đầu trong giới doanh nghiệp Mỹ trong việc vận động Quốc hội nước này nới lỏng và tiến tới xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận phi lý chống Cuba./.
Theo TTXVN/VIETNAM+