Tham dự diễn đàn có Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung, Bộ trưởng Bộ Công thương Ai Cập Monir Fakhry Abdel Nour, đại diện Bộ Công thương Việt Nam, Liên đoàn các Phòng thương mại Ai Cập, 18 doanh nghiệp Việt Nam và khoảng 70 doanh nghiệp Ai Cập.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập đã được cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế tại Việt Nam cũng như tại Ai Cập thông qua phần giới thiệu của ông Trần Quang Huy, đại diện Bộ Công thương Việt Nam và ông Alaa Ezz, Tổng thư ký Liên đoàn các phòng thương mại Ai Cập.
Tại Diễn đàn lần này, các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tiếp xúc song phương, trong đó một số doanh nghiệp Việt Nam bước đầu trao đổi và thống nhất được với các doanh nghiệp của Ai Cập cơ hội hợp tác kinh doanh các mặt hàng truyền thống như nông sản, thủy sản và các mặt hàng mới như sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng, thuốc thú y…
Phát biểu sau diễn đàn, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Tây Nam Á – Châu Phi cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp hai bên sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi tiếp xúc để đi đến những hợp tác, kinh doanh cụ thể, góp phần hơn nữa cho việc trao đổi thương mại đang tăng trưởng tốt giữa hai bên.
Trong năm 2014, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ai Cập đạt xấp xỉ 400 triệu USD và trong 6 tháng đầu năm nay, đã đạt khoảng 200 triệu USD. Mặc dù có sự tăng trưởng tốt, nhưng để đưa kim ngạch hai chiều lên đến 1 tỷ USD như mục tiêu mà lãnh đạo hai bên đã đề ra thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, tích cực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Ai Cập.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập |
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, ông Trần Quang Huy khẳng định: “Về phía Bộ Công thương, chúng tôi đánh giá thị trường Ai Cập có rất nhiều tiềm năng với dân số đông, nền kinh tế đang ổn định trở lại và có đà tăng trưởng. Đặc biệt, Ai Cập có vị thế rất quan trọng ở khu vực Trung Đông cũng như tại châu Phi. Với vị trí của mình, Ai Cập sẽ là cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập vào khu vực Trung Đông, bắc Phi và cả châu Phi. Với kênh đào Suez mới được khai trương và đưa vào vận hành, Ai Cập chắc chắn sẽ trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa của các nước trên con đường giao thương giữa châu Á và châu Âu. Đồng thời, với chính sách của Ai Cập nhằm phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ dọc theo kênh đào Suez mới, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong hợp tác đầu tư, hợp tác dịch vụ, Logistics, nuôi trồng chế biến thủy sản, nông nghiệp… Chúng tôi hi vọng, với kết quả của chuyến xúc tiến thương mại lần này, sẽ góp phần hơn nữa vào hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập.”
Tham gia đoàn 18 doanh nghiệp Việt Nam tại diễn đàn lần này, bà Trần Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu chè Thái Nguyên cho biết: “Tôi rất may mắn tham gia đoàn xúc tiến thương mại do Bộ Công thương tổ chức. Tôi thấy đây là cơ hội để có thêm đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu chè Thái Nguyên nói riêng. Chúng tôi tìm hiểu về Ai Cập và thấy đây là cơ hội cho chè Thái Nguyên và hàng nông sản Việt Nam. Tôi có gặp và trao đổi với một số đối tác trong diễn đàn lần này. Với uy tín và chất lượng hàng hóa của Công ty, chúng tôi hi vọng sẽ trở thành đối tác của các doanh nghiệp Ai Cập trong tương lai.”
Dự kiến vào ngày 10/9 tới, Đại sứ quán cùng Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng thương mại Alexandria tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập tại thành phố biển Alexandria của Ai Cập./.