|
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng không, hàng hải của khu vực.
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn ASEM về mạng lưới GTVT và Logistics Á – Âu sáng 10/9 tại Hàn Quốc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống GTVT, logistics để không chỉ là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước mà còn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng không và hàng hải của khu vực.
Việt Nam: Chỉ số logistics tăng 5 bậc
Diễn đàn ASEM về mạng lưới GTVT và Logistics Á – Âu (9-12/9), tại Seoul, Hàn Quốc nhằm nhìn nhận, đánh giá tình hình, vướng mắc đồng thời thảo luận giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ, hợp tác, thúc đẩy xây dựng một mạng lưới GTVT liền mạch khu vực Á – Âu.
Việc hợp tác để cải thiện GTVT và logicstics trong khu vực sẽ tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu thông qua giảm chi phí trong logistics và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu bằng cách ổn định giá cả hàng hóa.
Cùng với phiên thảo luận chung, diễn đàn còn thảo luận chuyên đề về Vận tải mặt đất và hàng không; Vận tải hàng hải và Hướng tới một lục địa Á – Âu thống nhất thông qua tạo thuận lợi và cung cấp tài chính. |
Nhận định nhu cầu xây dựng một mạng lưới GTVT và logistics thông suốt giữa các nước Á – Âu sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa các quốc gia ở hai châu lục, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của nước chủ nhà Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn thảo luận về những vấn đề vướng mắc cũng như đưa ra các giải pháp để thúc đẩy mạng lưới kết nối GTVT và logistics khu vực này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn ASEM, thời gian qua, ngành GTVT Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình, dự án tăng cường kết nối GTVT Á – Âu. Định hướng và kế hoạch phát triển GTVT của Việt Nam luôn gắn kết và hướng tới việc xây dựng hệ thống GTVT thông suốt trong khu vực, từ đó trực tiếp cũng như gián tiếp kết nối với các hệ thống GTVT Á – Âu.
Về lĩnh vực đường bộ, Việt Nam hiện đã và đang hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế của đất nước với các nước láng giềng cũng như kết nối hệ thống đường bộ ASEAN. Việt Nam cũng tích cực kết nối vận tải khu vực thông qua cải cách hành chính mạnh mẽ tại cửa khẩu theo mô hình “một cửa một lần dừng”; phối hợp với các nước mở các tuyến vận tải xuyên biên giới trong các khuôn khổ hợp tác song phương cũng như đa phương như GMS, CLV, CLMV…
Về lĩnh vực đường sắt, Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì tuyến đường sắt liên vận giữa hai nước. Việt Nam đã và đang cùng các nước ASEAN hoàn thiện tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh. “Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt kết nối từ cảng Vũng Áng của Việt Nam tới Viên Chăn – Thủ đô của Lào đồng thời kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt nối giữa TP. HCM và Thủ đô Phnompenh của Campuchia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động của Tổ chức Đường sắt quốc tế OSJD”, Bộ trưởng nói.
Về lĩnh vực hàng không, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hơn 80 điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng không. Hiện có 53 hãng hàng không nước ngoài thuộc 25 quốc gia đang khai thác đến Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 56 đường bay quốc tế đến 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với việc là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa vào khai thác đồng thời hai loại tàu bay hiện đại nhất là Boeing 787 và Airbus A350, Vietnam Airlines cũng đang có kế hoạch mở thêm đường bay đến nhiều điểm khác tại Châu Âu như Berlin, Rome, Amsterdam…
Về lĩnh vực hàng hải, Việt Nam đã gia nhập 21 công ước và Nghị định thư quốc tế và ký Hiệp định hàng hải song phương với 24 quốc gia, ký thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều quốc gia Châu Âu. Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ giao thương hàng hải với nhiều nước châu Âu như Nga, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Séc, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy.
Về lĩnh vực logistics, Bộ trưởng Thăng cho biết, Việt Nam đang có khoảng 1.200 doanh nghiệp và 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh dịch vụ logistics dưới nhiều hình thức. Năm 2014 theo đánh giá về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48/160 nước nghiên cứu (tăng 5 bậc so với năm 2012) và đứng thứ 4 trong các nước thành viên ASEAN.
“Thông qua việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận về mở cửa thị trường, Việt Nam cũng đang ngày càng tự do hóa lĩnh vực dịch vụ logistics nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và giảm chi phí”, Bộ trưởng nói.
Nhu cầu kết nối giao thông, logistics giữa Việt Nam - ASEM là cấp thiết
Với việc Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan (VCU FTA) cũng như việc cơ bản hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) thời gian gần đây, Bộ trưởng Thăng cho rằng, nhu cầu kết nối giao thông và logistics giữa Việt Nam với các nước Á- Âu càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN tích cực đẩy mạnh việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), qua đó làm cầu nối thúc đẩy kết nối GTVT Á – Âu.
”Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xây mới và nâng cấp đồng bộ hệ thống đường bộ, đường sắt cũng như các cảng hàng không, cảng biển quốc tế không chỉ là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước mà còn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng không và hàng hải của khu vực. Ngoài ra, để mở rộng mạng lưới kết nối vận với các nước Á - Âu, Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải cũng như logistics của các doanh nghiệp qua đó góp phần xây dựng một hệ thống vận tải và logstics thông suốt”.
Với nhu cầu rất lớn về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics, trong điều kiện nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế, người đứng đầu ngành GTVT đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB... và các nước tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.
Ông nhấn mạnh: ”Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Á – Âu tham gia đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng GTVT tại Việt Nam thông qua mọi hình thức trong đó đặc biệt là hình thức PPP. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến mô hình đầu tư PPP tại Việt Nam theo đó tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức này”.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye:
Sẽ thành lập nhóm chuyên gia GTVT và logistics khu vực
Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng, kết nối Á – Âu là một trong những mong muốn của nhiều quốc gia 2 lục địa. Việc tạo thuận lợi về GTVT, logistics sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nền kinh tế. Do đó, các nước cần tăng cường hợp tác trên cơ sở đơn giản hoá thủ tục hành chính; tiêu chuẩn hoá các quy định về kiểm tra tại các cửa khẩu; cùng nghiên cứu dỡ bỏ rào cản…
Đáng chú ý, Tổng thống nước chủ nhà đề xuất và ủng hộ thành lập một nhóm chuyên gia GTVT và logistics của các nước ASEM. Hàn Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên tổ chức cuộc họp nhóm chuyên gia này, dự kiến vào giữa năm 2016.
“Giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã có dự án đường sắt nối từ bán đảo Triều Tiên đến Nga và các nước châu Âu. Khi tuyến đường sắt này kết nối sẽ tạo ra dòng luân chuyển hàng hoá giữa 2 miền Nam – Bắc tới các nước trong khu vực”, Tổng thống Park Geun-hye nói. |
Theo báo Giao thông.
|