Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian tới.
Sau khi Trung Quốc tiến hành phá giá đồng NDT đến ngày 1/9/2015, đồng NDT đã giảm 2,5% so với USD. Trong khi đó VND cũng đã mất giá 3% so với USD. Do tỷ giá VND/NDT được tính chéo qua USD nên thực chất tỷ giá VND đã giảm giá thêm 0,5% so với NDT.
Từ đầu năm đến nay mức mất giá của VND so với USD là 5,1%, của NDT so với USD là 2,6%. Như vậy là VND cũng mất giá 2,5% so với NDT. BVSC nhận định, lo ngại nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ gia tăng là không có nhiều cơ sở.
BVSC khẳng định việc Việt Nam nhập siêu mạnh từ Trung Quốc hiện nay phần lớn xuất phát từ vấn đề cơ cấu kinh tế do Việt Nam chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Để khắc phục thực trạng này, BVSC cho rằng Việt Nam sẽ phải cần nhiều thời gian.
Đối với những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), BVSC nhận định VND không phải ở thế quá bất lợi.
Kể từ sau ngày 10/8 thì VND mất giá khá mạnh so với EUR và JPY do hai đồng tiền này lên giá so với USD lần lượt 2,6% và 4,2%. Trong khi đó, nếu tính từ đầu năm đến nay thì VND đang mất giá 5,4% so với JPY và lên giá khoảng 1,8% so với EUR.
Như vậy, so với năm 2014 thì biến động của VND từ đầu năm 2015 đến nay đang khiến cho giá hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và Nhật Bản rẻ đi trong khi vào EU thì giá chỉ tăng nhẹ.
Đánh giá xuất khẩu trong khu vực ASEAN, BVSC cho rằng nếu xét trong ngắn hạn thì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam đang kém đi nhưng về dài hạn (6 năm trở lại đây) thì vấn đang được đảm bảo.
Sau quyết định của PBOC, đa số các đồng tiền tại các thị trường trong khu vực đều giảm giá so với USD, điển hình như Bạt Thái Lan (giảm 1,9%); Ringit của Malaysia (giảm 5,8%), Rupiad của Indonesia (giảm 4%). Như vậy, biên độ mất giá của VND (3%) nằm ở mức trung bình trong số nhóm các nước trên.
Tính từ đầu năm đến nay thì mức mất giá của các đồng tiền trên là lớn hơn hẳn so với VND (THB mất 8,6%; MYR mất 19%, IDR mất 13,8%; VND mất 5,1%). Do đó, xét ở riêng khía cạnh giá, so với các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đắt hơn tương đối.
Mặc dù vậy, xét trong khoảng thời gian dài hơn (kể từ sau thời điểm khủng hoảng tài chính 2009 tại Mỹ với việc làm yếu đồng USD của FED nhờ chính sách lãi suất thấp và các gói nới lỏng định lượng thì mức mất giá của VND là 28,7%, cao hơn hẳn so với Thái Lan (2,5%) và Malaysia (20%) và chỉ thấp hơn một chút so với Indonesia (29,6%)
Như vậy trong ngắn hạn, hàng xuất khẩu Việt Nam vào các thị trường trên (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) kém cạnh tranh hơn, song về dài hạn, biến động tỷ giá không ảnh hưởng nhiều.
Theo BVSC