Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ quá trình phân phối và nhu cầu thị trường EU để có cách tiếp cận thị trường phù hợp.
Từ năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt trên 36,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 27,9 tỷ USD.
Mới đây, trong Hội thảo Giới thiệu cuốn sách tham khảo về hệ thống phân phối Châu Âu và lấy ý kiến về cuốn sách tham khảo hướng dẫn tiếp cận thị trường EU đối với ngành hàng đồ gỗ, rau quả và thủ công mỹ nghệ do Vụ Thị trường Châu Âu, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Dự án EU Mutrap tổ chức, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Liên minh châu Âu - EU luôn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu vẫn còn nặng nề, nhưng quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – EU vẫn tăng trưởng rất tích cực.
Từ năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt trên 36,8 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 27,9 tỷ USD tăng 14,8%, nhập khẩu đạt trên 8,9 tỷ USD giảm 5,8%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU thời gian qua vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, v.v...
Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường EU của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Xét tương quan cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu sang EU đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực ASEAN, và còn xa mới có thể so sánh được với Trung Quốc.
Theo bà An, để tiếp tục duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang EU, nâng cao tỷ trọng của doanh nghiệp trong nước trong xuất khẩu sang thị trường này, một yêu cầu quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ quá trình phân phối và nhu cầu thị trường EU để có cách tiếp cận thị trường phù hợp.
Theo Vinanet - Bộ Công Thương