Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo do những áp lực kinh tế trong nước và toàn cầu, nền kinh tế Indonesia sẽ chỉ tăng trưởng 4,9% trong năm nay, thấp hơn so với mức 5,5% như dự đoán ban đầu.
Phó Giám đốc ADB tại Indonesia Edimon Ginting chỉ ra rằng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng, mức chi tiêu hộ gia đình cũng như của Chính phủ Indonesia tương đối trì trệ trong một khoảng thời gian dài, cùng với việc xuất khẩu giảm do nhu cầu bên ngoài yếu đi, đã góp phần vào sự suy thoái kinh tế trong năm 2015.
Tuy nhiên, nền kinh tế Indonesia được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2016, đạt 5,4% (mặc dù vẫn thấp hơn so với mức dự đoán đưa ra trước đây là 6%) nhờ tác động của chi tiêu của chính phủ và đầu tư được cải thiện thông qua các gói chính sách kinh tế gần đây của chính phủ.
Ông Edimon Ginting cho biết Chính phủ Indonesia đã có những nỗ lực để thúc đẩy sự hấp thu của ngân sách thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục mua sắm đất đai và đẩy nhanh quá trình đấu giá các dự án của chính phủ.
Hơn nữa, các sáng kiến cải cách chính sách được đưa ra thông qua các gói chính sách bãi bỏ quy định gần đây và việc nới lỏng thủ tục cấp phép đầu tư cũng góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân trong một số dự án cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh các dự án chiến lược phát triển quốc gia.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng một số rủi ro vẫn còn hiện hữu và có thể lớn hơn cả những triển vọng tăng trưởng kinh tế, trong đó có sự chậm trễ trong đầu tư của chính phủ, trong cải cách cơ cấu; nhu cầu tại các nước xuất khẩu hàng hóa của Indonesia giảm; sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu hay những ảnh hưởng về môi trường của hiện tượng El Nino.
Cùng thời điểm này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) cũng đưa ra mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc đảo đạt khoảng 5% trong năm nay.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Indonesia đang đề xuất điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn 5,3% trong năm 2016, từ mục tiêu 5,5% đề xuất trước đó./.
Theo TTXVN/VIETNAM+