Việt Nam chỉ nên đặt ra định hướng trở thành trung tâm logistics của khu vực chứ chưa đặt ra mục sẽ là trung tâm của thế giới...
Rất tự tin đưa ra nhận định logistics của Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc, ông Trần Chí Dũng – Viện phó Viện Logistics Việt Nam cho rằng nhận định của giới chuyên môn tại Diễn đàn ASEAM về năng lực và tiềm năng phát triển logistics của Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
Dựa trên 6 yếu tố cơ bản là: Thủ tục hải quan; hạ tầng giao thông; nguồn nhân lực logistics; khả năng tiếp cận tuyến vận tải quốc tế; áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong logistics và cuối cùng là đảm bảo giao hàng đúng hạn… 6 yếu tố trên được cải thiện đáng kể và nó cho thấy đã đem lại sự hài lòng cho khách hàng nhiều hơn về chất lượng dịch vụ của logistics Việt Nam.
Sự cải thiện trên đã giúp Việt Nam tăng thêm 5 bậc trong bảng xếp hạng so sánh với các nước ASEAN. Đây là thành tích vượt bậc mà Việt Nam chưa đạt được trong suốt 10 năm góp phần cải thiện chỉ số LPI và đưa Việt Nam từ vị trí 53 lên vị trí 48 vào năm 2014. Việt Nam chỉ đứng sau 4 nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Vướng từ định hướng tới năng lực
PV:- Xin ông phân tích cụ thể từng yếu tố được xem là lợi thế của logistics Việt Nam?
Ông Trần Chí Dũng: - Nếu so với các nước trong khu vực Việt Nam cũng là một trong những nước có lợi thế lớn, nếu tận dụng và được đầu tư tốt sẽ là cơ hội để ngành logistics phát triển.
Thứ nhất, về thủ tục hải quan. Thời gian qua, việc tăng cường áp dụng hải quan điện tử, đơn giản hóa thủ tục hải quan đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện LPI của VN khiến xếp hạng hải quan được cải thiện đáng kể và cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, quy trình thủ tục hải quan vẫn còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa. Vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ.
Chất lượng hạ tầng giao thông thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn phải thừa nhận Việt Nam còn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Là một quốc gia có bờ biển dài với rất nhiều cảng biển nhưng chất lượng cảng biển của Việt Nam hiện đứng thứ 111, thấp hơn nhiều so với các nước có cơ cấu kinh tế tương đồng cũng như đang cạnh tranh với Việt Nam trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như Thái Lan, Indonesia.
Về hoạt động vận tải quốc tế ở Việt Nam chủ yếu là vận tải biển và vận tải hàng không trong đó vận tải biển do các hãng tàu nước ngoài thực hiện. Hiện nay đã có 40 hãng tàu biển nước ngoài chủ yếu là vận tải container đang hoạt động tại Việt Nam kết nối Việt Nam với các điểm trung chuyển như Singapore, Hồng Kông cũng như vận chuyển thẳng hàng hóa của Việt Nam tới châu Âu và châu Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số về vận tải quốc tế của Việt Nam có thứ hạng cao hơn trung bình.
Các hãng vận tải container của Việt Nam như Germadept, Vinalines, Biển Đông do hạn chế về mạng lưới nên không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài khiến các doang nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của các hãng tàu biển quốc tế khiến cước phí vận tải biển bị đẩy lên cao, cùng với việc các hãng tàu tận thu nhiều loại phí gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù đã có nhiều cải tiến, hệ thống vận tải đường sắt của Việt Nam còn lạc hậu, phát triển chậm, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
Nhất là công tác đào tạo nhân lực và áp dụng CNTT trong logistics cũng là rào cản lớn. Dù trong nhiều năm qua công tác đào tạo nhân lực có nhiều cải tiến nhưng thực tế còn thiếu và yếu.
Sự phát triển thiếu quy hoạch và liên kết của các các cảng và dịch vụ hậu cảng như kho, bãi, trung tâm logistics và việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics cũng được coi là những nguyên nhân cản trở sự phát triển một cách hiệu quả của doanh nghiệp logistics nội địa và đẩy chi phí logistics ở Việt Nam tăng cao.
Mặc dù vậy, tôi vẫn tin tưởng logistics Việt Nam sẽ sớm cất cánh trong tương lai nhờ những yếu tố tự nhiên và những lợi thế sẵn có.
Ngoài ra, phát triển thương mại, dịch vụ dù là yếu tố kéo theo nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của ngành logistics.
Với nền kinh tế phát triển ổn định, tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 5%, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng rất tốt cho phát triển thương mại, dịch vụ. Khi thương mại dịch vụ phát triển thì logistics cũng phát triển theo.
Theo dự báo năm 2050, Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế thứ 32 thế giới. Nếu dựa vào dự báo trên thì mục tiêu phát triển 25%/năm của ngành logistics là hoàn toàn có thể đạt được.
Theo báo Đất Việt.