Phát biểu chỉ đạo hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV do Bộ Tài nguyên – Môi trường (Bộ TNMT) tổ chức ngày 30.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong 5 năm qua, ngành môi trường đạt được một số thành tựu nổi bật, nhưng không thể phủ nhận một thực tế, ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn gia tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
Mỗi năm nhập hơn 900 triệu tấn phế liệu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý: “Cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững”.
Đặc biệt, hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong giai đoạn vừa qua tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân đã “lợi dụng” chính sách của Nhà nước về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có những quy định cụ thể hơn về điều kiện phế liệu được phép nhập khẩu, điều kiện với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, nhưng đến nay, tình trạng nhập khẩu mặt hàng này vẫn khó kiểm soát.
Trong giai đoạn 2013 -2015 có khoảng 200 - 250 doanh nghiệp tập trung vào nhóm phế liệu sắt, thép (khoảng 2,5 triệu tấn/năm), phế liệu giấy, nhựa (khoảng 1,2 đến 1,5 triệu tấn/năm), phế liệu nhôm (gần 886 triệu tấn/năm), phế liệu đồng (khoảng 22 triệu tấn/năm) và tổng các phế liệu khác khoảng 1,1 triệu tấn/năm.
TS Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết hiện còn 5.411 container hàng tồn đọng tại các cảng biển, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng (4.818 container), TPHCM (459 container), Bà Rịa – Vũng Tàu (83 container), Quảng Ninh (34 container)…
Đây chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, lốp caosu qua sử dụng chiếm hơn 46%; hàng tạp hóa, bách hóa chiếm hơn 30%. Bộ TNMT đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan để xử lý, giải quyết dứt điểm số container đang tồn đọng này.
Tăng 1% GDP, thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm môi trường
Tại hội nghị, các chuyên gia môi trường quốc tế nêu cảnh báo, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức, ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay; thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4 - 5 lần; tính trung bình cứ tăng 1% GDP, thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.
“Đây là cảnh báo mà chúng ta phải rất cần quan tâm, khi trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
TS Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội - cho biết, Quốc hội đã đồng ý nâng mức chi tiêu cho bảo vệ môi trường lên 1% ngân sách mỗi năm. Cùng với đó, đầu tư từ ngân sách cho bảo vệ môi trường được quan tâm hơn và tăng dần qua từng năm, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2015 là 11.400 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.
Tuy nhiên, chỉ nguồn lực tài chính thôi chưa đủ “cứu vãn” tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý các cơ quan quản lý Nhà nước “không cho phép các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; kiểm soát chặt chẽ, không để nước ta trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển”.
Theo báo Lao động.