Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia khẳng định tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may và da giày sẽ khả quan hơn nữa, đặc biệt vào thị trường Mỹ.
Kỳ vọng với dệt may, da giày
Ông Nguyễn Ngọc Lân, phó tổng giám đốc Tổng công ty CP May Nhà Bè (NBC), cho biết với kế hoạch xuất khẩu năm nay khoảng 640 triệu USD, dự kiến thị trường Mỹ sẽ chiếm khoảng 40%, tương ứng 256 triệu USD. Theo ông Lân, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp này sang thị trường Mỹ thời gian qua đạt mức 10 - 15%/năm, với sản phẩm chủ lực là veston nam/nữ có giá trị FOB cao.
Sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, NBC sẽ có cơ hội giảm được nhiều chi phí trung gian, sản phẩm cạnh tranh hơn và tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt mức cao hơn. “Tới đây chúng tôi sẽ không còn phải qua nhiều trung gian khi đưa hàng sang Mỹ như trước, mà có thể tiếp cận sâu hơn với nhà đặt hàng, chi phí gián tiếp cũng sẽ được cắt giảm tối đa” - ông Lân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Trung - giám đốc Công ty giày Gia Định - cho biết Mỹ đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp, chiếm đến 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm nay với khoảng 40 triệu USD. Theo ông Trung, tốc độ xuất khẩu sang thị trường Mỹ bắt đầu tăng mạnh từ giữa năm 2014, trong đó nhiều nhà đặt hàng đã chọn VN thay vì Trung Quốc như những năm trước nhằm đón đầu TPP.
Bà Đặng Phương Dung, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cũng khẳng định cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may VN tại các thị trường thành viên TPP là rất lớn, đặc biệt là Mỹ, bởi đây là thị trường có nhiều doanh nghiệp VN tập trung đầu tư trước khi đàm phán TPP diễn ra.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu trong nội khối các nước TPP, hoặc phải sản xuất trong nước từ khâu sợi trở đi để có được thành phẩm cuối cùng là sản phẩm may mặc hoàn chỉnh.
Theo bà Dung, mặc dù mức thuế nhập khẩu vào Mỹ bình quân thời gian qua 17 - 20%, nhưng năm 2014 VN vẫn xếp thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất vào Mỹ, với khoảng 11% thị phần.
Do đó sau khi TPP chính thức có hiệu lực, với thuế nhập khẩu giảm về 0% (nếu đáp ứng các điều kiện), khả năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may VN có thể đạt 12 - 13%/năm thay cho mức 6 - 7%/năm như hiện nay.
Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), cũng kỳ vọng TPP sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của ngành này đạt bình quân 20 - 25%/năm nhờ mức thuế nhập khẩu da giày từ VN vào Mỹ sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức 17 - 45% (tùy loại) như hiện nay.
“Da giày sẽ đỡ khó khăn hơn dệt may về nguồn gốc xuất xứ, nhưng vẫn phải đáp ứng được 55% tỉ lệ nội địa hóa trong nước nếu muốn hưởng được mức thuế thấp” - ông Kiệt nhận định.
Cái khó có bó cái khôn?
Dù rất hào hứng với những cơ hội do TPP mang lại, nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành dệt may, da giày trong việc biến cơ hội thành hiện thực là khả năng tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chưa kể tỉ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa vẫn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp FDI.
Đơn cử trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 24,5 tỉ USD của năm 2014, khối doanh nghiệp FDI chiếm 60%. Tương tự, trong hơn 10 tỉ USD xuất khẩu của ngành da giày, doanh nghiệp FDI cũng chiếm đến 65%.
Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI đã tăng tốc đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm, vải hoàn tất, nguyên phụ liệu... trong khi số doanh nghiệp nội có tiềm lực tài chính thật sự để đầu tư lại quá hiếm hoi.
“Để đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 27,5 tỉ USD trong năm nay như dự kiến, ngành dệt may phải cần đến 10,5 tỉ m2 vải. Nhưng sau gần hai thập kỷ lục đục, tỉ lệ đáp ứng nguồn cung vải sản xuất trong nước cao lắm cũng chỉ được khoảng 23% nhu cầu, tương ứng khoảng 2,4 tỉ m2 vải, một tỉ lệ rất nhỏ so với thời gian chuẩn bị” - một chuyên gia lâu năm trong ngành nói.
Theo ông Trần Quang Nghị - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), từ nhiều năm trước Vinatex đã chủ động đầu tư sâu vào các khâu sản xuất thượng nguồn, từ sợi, dệt nhuộm đến vải hoàn tất dưới hình thức tập đoàn trực tiếp đầu tư, hoặc giao các đơn vị thành viên thực hiện.
“Nếu tạo ra được chuỗi sản xuất liên tục từ sợi - dệt - nhuộm và hoàn tất đến may, trong đó chú trọng các khâu tạo ra nguyên liệu đầu vào như bông, xơ và các nguyên liệu mới như xơ visco, len... mới từng bước giảm nhập khẩu được” - ông Nghị chia sẻ. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn này cũng chỉ mới sản xuất được khoảng 317,3 triệu m2.
Với hàng loạt dự án xơ, sợi, dệt đang đầu tư với tổng vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng, tổng khối lượng ước tính khoảng 50.000 tấn sợi và 20 triệu m2 vải/năm, nguồn cung vải tăng thêm của tập đoàn này trong thời gian tới vẫn còn khá hạn chế so với nhu cầu.
“Có một thực tế là vốn đầu tư ở VN đắt hơn các nước khác do lãi suất quá cao và tỉ giá biến động, chưa kể việc tiếp cận đất đai còn khó khăn” - ông Nghị giải thích.
Tuy nhiên, việc biến cơ hội thành hiện thực đối với doanh nghiệp ngành này còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào.
Thời trang hàng hiệu sẽ không rẻ như kỳ vọng
Theo bà Đặng Quỳnh Đoan - giám đốc Công ty TNHH thời trang Việt Thy, phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thời trang đều được nhượng quyền thương hiệu nên đều phải bán mức giá thống nhất do nhà phân phối yêu cầu.
“Có thể họ sẽ tạo ra các dòng sản phẩm khác với mức giá thấp hơn để thông qua hệ thống của họ xuất khẩu vào VN. Chứ nếu vẫn dùng đúng tên thương hiệu của họ, chắc chắn giá bán sẽ không hề rẻ chút nào vì chi phí bán hàng, phí thuê mặt bằng, lương nhân viên... buộc phải tính vào giá bán cuối cùng” - bà Đoan phân tích.
Theo Tuổi trẻ