Ông Phạm Công Dũng, đại diện Cục chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết với tiến độ xuất khẩu “ì ạch” như hiện nay, dự kiến kế hoạch xuất khẩu của ngành cả năm 2015 chỉ đạt khoảng 95% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, nhóm hàng nông sản chính đạt dưới 90%, còn các mặt hàng gỗ và thủy sản có thể đạt trên 90%.
Nhận định trên được ông Dũng đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng Chín và nhiệm vụ trọng tâm tháng Mười vừa diễn ra chiều 6/10, tại Hà Nội.
Theo ông Dũng, năm 2015, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 32 tỷ USD, tuy nhiên, từ đầu năm, đồng USD tăng giá; tỷ giá hối đoái của một số ngoại tệ mạnh (đặc biệt là đồng euro) biến động theo hướng không thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thêm vào đó, nguồn cung, lượng tồn kho các mặt hàng nông sản ở nhiều nước lớn, trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản... đều giảm nhu cầu nhập khẩu. Do đó, 9 tháng qua, xuất khẩu nông lâm sản, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Trong tháng Chín, hầu hết các mặt hàng nông sản chính đều giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu so với tháng 8, chỉ có mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị.
Trong số các mặt hàng nông sản gặp khó khăn, xuất khẩu nông sản chính đạt 973 triệu USD (giảm 14,6%); thủy sản đạt 541 triệu USD (giảm 8,9%)và lâm sản ước đạt 474 triệu USD (giảm 23,2%) so với tháng 8/2015.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ông Trần Quốc Tuấn, Phụ trách Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức một số đoàn xúc tiến thương mại ở một số nước, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường đối với một số nông sản như thanh long vào Nhật Bản, thịt gà vào Nga...
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ rà soát các thị trường tiềm năng để chủ động các biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước tiên tiến,” ông Tuấn nói.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cũng khẳng định, giá trị xuất khẩu nông lâm sản, thủy sản trong 9 tháng qua đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người sản xuất trong ngành nông nghiệp và nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện việc rà soát các loại phí, lệ phí của ngành.
“Đến nay, có 91 danh mục lệ phí, sẽ được rút xuống còn 36 lệ phí nhưng sẽ đưa vào 5 nhóm danh mục phí, lệ phí. Về phí 750 danh mục, dự kiến còn 166 danh mục trong đó trọng tâm là lĩnh vực thú y và sẽ được gom lại còn 18 danh mục phí,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói./.
Theo VIETNAM+