Nếu như các nhóm ngành như dệt may, thuỷ sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển sẽ được hưởng lợi nếu TPP được thông qua thì ngược lại, các nhóm ngành như mía đường, dược, thức ăn chăn nuôi... của Việt Nam lại gặp khó.
Công ty chứng khoán BSC vừa công bố báo cáo vĩ mô đàm phán TPP và tác động đến các ngành. báo cáo của BSC cho biết, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến tới một thỏa thuận cơ bản nhất liên quan tới các lĩnh vực thương mại chủ chốt sau khi đạt được một bước đột phá trong vấn đề dược phẩm vào đêm qua (ngày 4/10, theo giờ Việt Nam).
Tuy nhiên, vẫn còn một số gút mắc cần phải giải quyết, tiêu biểu là trên các lĩnh vực thị trường sản phẩm sữa, sở hữu trí tuệ và đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ linh kiện đối với ngành ô tô. Trong trường hợp các nước thống nhất được các thỏa thuận cơ bản, TPP sơ bộ sẽ có khả năng được ký kết sớm nhất vào đầu năm 2016. Sau đó, TPP sẽ có hiệu lực sau khi nó được thông qua tại từng quốc gia thành viên.
Nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất khi hiệp định TPP được thông qua. Tuy nhiên TPP sẽ không chı̉ có tác động một chiều mà sẽ là cả hai chiều đến Việt Nam.
Dệt may, ôtô, thủy sản... được hưởng lợi
Báo cáo phân tích của BSC cho biết, nếu đàm phán TPP thông qua các thỏa thuận chung cơ bản nhất, tác động trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán không quá đáng kể. Theo BSC, nguyên nhân là do quy mô vốn hoá của các ngành có ảnh hưởng tích cực nhờ TPP không quá lớn, do vậy tác động tới chỉ số chứng khoán chung sẽ không quá mạnh mẽ. Ngoài ra, TPP vẫn cần một khoảng thời gian để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi đạt được thoả thuận cơ bản chung.
Nếu TPP tác động không đáng kể tới thị trường chứng khoán thì các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi rõ rệt như dệt may, thuỷ sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển...
Dệt may: Các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng quần áo dệt may và da giầy sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật.
Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Do các dự án sản xuất nguyên liệu đầu vào (sợi, dệt, nhuộm vải) cần nhiều vốn và liên quan đến vấn đề môi trường, trong khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít nên việc đầu tư các dự án cung ứng nguyên liệu không được quan tâm.
Chỉ một số ít các doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước có các dự án nhằm đón đầu hiệp định TPP. Thêm vào đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ có sự thay đổi lớn, chuyển dịch nguồn cung sang các nước trong TPP, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan.
Dòng vốn FDI đầu tư vào ngành dệt may tăng mạnh do hiệu ứng TPP. Từ năm 2014 đã có nhiều dự án FDI tập trung vào ngành dệt may, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong do nhận thức được sự dịch chuyển nguồn cung trong tương lai của Việt Nam nếu TPP có hiệu lực.
Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.
Nếu TPP có hiệu lực và các doanh nghiệp dệt may đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, mức độ ảnh hưởng củacác doanh nghiệp niêm yết lên thị trường chứng khoán là không đáng kể. Vốn hóa của các cổ phiếu dệt may khoảng 4.281 tỉ đồng, chỉ chiếm 0.36% tổng vốn hóa thị trường tính đến hết tháng 6 năm 2015. Khối lượng giao dịch bình quân của các mã cổ phiếu ngành dệt may khoảng 52.7 tỉ đồng/ngày, khá thấp so với khối lượng giao dịch bình quân của sàn HOSE (1.844 tỉ đồng/ngày) và HNX (754 tỉ đồng/ngày).
Thủy sản: Tại thị trường Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình là 6,4%-7,2% hiện tại. Tại thị trường Mỹ, TPP sẽ không tác động lớn đến các doanh nghiệp thủy sản do ngay cả tham gia vào TPP thì các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao. Với mức thuế là 0,97 USD/kg, các doanh nghiệp cá tra hầu như không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ do không đủ bù đắp các chi phí nhiên liệu, nhân công...
Gỗ: Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu ASEAN. Các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (37%), Nhật Bản (16%), Trung Quốc (12%), Châu Âu (12%). Năm 2014, xuất khẩu gỗ đạt 6,2 tỷ USD (+11% yoy), tăng trưởng tại 2 thị trường Mỹ và Nhật lần lượt là 12,5% và 18%. Cũng giống như các doanh nghiệp dệt may, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp gỗ là nguồn nguyên liệu khi hơn 80% nguyên liệu đều đang phải nhập khẩu trong khi đó yêu cầu để được ưu đãi về thuế là tỷ lệ nội địa hóa phải đáp ứng từ 55% tổng giá trị trở lên; doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài.
Khu công nghiệp: Xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI để đón đầu các hiệp định thương mại từ các nước trong khu vực vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Các khu công nghiệp nằm ở gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triên, chính sách ưu đãi sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiệp định TPP nếu được ký kết được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, gỗ, linh kiện điện tử,…. và sẽ làm gia tăng nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp. Cơ hội tăng trưởng sẽ đến với các doanh nghiệp: Sở hữu quỹ đất đủ lớn để có thể tiếp tục mở rộng cho thuê; Có vị trí thuận lợi như gần sân bay, cảng biển, nguồn nguyên liệu…, Có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Có 3/5 doanh nghiệp niêm yết đáp ứng được các tiêu chí trên: KBC, ITA, LHG trong khi đó 2 doanh nghiệp D2D, SZL hiện tại tỷ lệ lấp đầy đều đã ở mức cao và không còn quỹ đất để có thể mở rộng cho thuê.
Ngành phân phối ô tô: Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật và Mỹ chiếm khoảng n13% tổng kim ngạch nhập khẩu oto của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe oto nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật. Các dòng xe của Nhật và Mỹ như Honda, Toyota, Ford chiếm khoảng 45% cơ cấu tiêu thụ toàn bộ thị trường.
Ngành cảng biển, logistic: Đây là các ngành sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực Châu Á và Bắc Mỹ khi TPP được thông qua. Theo dự báo của BMI, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8%-9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía bắc.
Mía đường, dược, thức ăn chăn nuôi gặp khó
Trái ngược với các ngành trên được hưởng lợi thì các nhóm ngành như mía đường, dược, thức ăn chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia sân chơi TPP.
Mía đường: Việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bõ các hạn ngạch nhập khẩu. Ngành mía đường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt trong các nước tham gia TPP có Úc – nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới chi phí sản xuất khoảng 20 USD/1 tấn trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/1tấn.
Dược: Việc tham gia hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam. Theo hiệp định TPP, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2.5% về 0%, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp nội.
Thức ăn chăn nuôi: Giá thành thức ăn chăn nuôi hiện tại của Việt Nam cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn vào Việt Nam sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%, đặc biệt là cạnh tranh các sản phẩm từ Úc và Mỹ do đây là những nước có chi phí sản xuất thấp, năng suất lớn.
Theo Doanh Nghiep VN.