Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín giảm 0,21% so với tháng trước nhưng theo người phát ngôn Văn phòng Chính phủ, qua đánh giá và phân tích thì không có biểu hiện giảm phát mà ngược lại còn có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thông tin thêm tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, tối 1/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc CPI giảm trong tháng Chín chủ yếu do giá xăng, dầu và giá gas giảm mạnh.
Trong khi đó, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu vẫn tăng khá mạnh, biểu hiện cụ thể là tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, dù loại trừ yếu tố giá nhưng mức tăng vẫn đạt 9,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,3%).
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước với tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ các năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%).
Đưa ra ý kiến tại buổi họp của Tổng cục Thống kê ngày 30/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết, với quyết định điều chỉnh tỷ giá 3% (và nới biên độ giao dịch 2%), yếu tố này có thể nâng 0,7% CPI từ giờ tới cuối năm.
Ông Lâm cũng tái khẳng định mục tiêu lạm phát trong khoảng từ 5%-8% là phù hợp cho tăng trưởng kinh tế và điều này vẫn nằm trong giới hạn 5% mà Quốc hội đặt ra trong năm 2015.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia ngày 1/10 cũng nhận định, dù trong tháng Chín, lạm phát có xu hướng giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,4%, là mức ổn định của lạm phát cơ bản trong suốt 7 tháng gần đây.
Bên cạnh đó, niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư và người tiêu dùng đang đạt mức cao trong những tháng gần đây, cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế cả năm là tích cực.
“Dù giá dầu giảm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng, sản xuất công nghiệp đi lên, cho thấy phục hồi kinh tế tương đối đồng đều. Cân đối xuất nhập khẩu, thu ngân sách vẫn đảm bảo,” Ủy ban Giám sát Tài chính cho hay./.
Theo VIETNAM+