Tối ngày 05/10 (giờ Việt Nam), Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP đã được đàm phán thành công. Chứng khoán BIDV (HOSE: BSI) đánh giá điều này sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng không đáng kể.
Cụ thể, BSI cho rằng trong ngắn hạn, việc TPP ký kết thành công có ảnh hưởng tích cực và lan tỏa dần nhưng không đáng kể do 2 nguyên nhân chính. Đó là, tổng vốn hóa của nhóm ngành được hưởng lợi không lớn và TPP không có hiệu lực ngay sau ký kết mà vẫn phải chờ sự thông qua tại quốc gia thành viên.
Dệt may, thủy sản, gỗ, khu công nghiệp, phân phối ô tô và logistics hưởng lợi
Dệt may: Các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. Theo dự báo của World Bank, sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020.
"TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.
Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn” - Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. |
Khi TPP có hiệu lực, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” buộc doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ có sự thay đổi lớn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan.
Dòng vốn FDI đầu tư vào ngành dệt may tăng mạnh do hiệu ứng TPP, đặc biệt là dòng vốn từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông do ý thức được sự chuyển dịch nguồn cung trong tương lai.
Ngoài ra, tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của doanh nghiệp nước ngoài để gia công.
Theo đó, các doanh nghiệp đáng chú ý gồm TCM, TNG, GMC.
Thủy sản: Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi xuất khẩu vào thị trường Nhật do thuế nhập khẩu sẽ được giảm về 0% so với mức trung bình là 6.4% đến 7.2%.
Đối với thị trường Mỹ, TPP sẽ không có nhiều ảnh hưởng vì nếu thuế nhập khẩu bằng 0%, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao ở mức 0.97 USD.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi bao gồm FMC và VHC.
Gỗ: Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu 55% nội địa, doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ nước ngoài. Đáp ứng được yêu cầu này có thể kể đến GDT (sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu trong nước) và TTF (75% nguồn nguyên liệu đến từ trong nước).
Khu công nghiệp: Với xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI đón đầu hiệp định, các khu công nghiệp nằm ở gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triển, chính sách ưu đãi sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 5 doanh nghiệp khu công nghiệp đang niêm yết, chỉ có KBC, LHG, ITA là có quỹ đất đủ lớn để tiếp tục mở rộng trong khi D2D và SZL tỷ lệ lấp đầy đã ở mức cao, không còn quỹ đất để mở rộng cho thuê.
Ngành phân phối ô tô: Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khổ ô tô Việt Nam. Năm 2014, lượng xe nhập khẩu từ Mỹ tăng 140% và Nhật tăng 90%. Do vậy, doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ TPP là SVC, chiếm 20% thị phần xe Toyota.
Ngành logistics: Hưởng lợi từ việc gia tăng thương mại giữa các quốc gia thành viên. Doanh nghiệp đáng chú ý là VSC và CLL.
Mía đường, dược và thức ăn chăn nuôi gặp khó
Mía đường: Gia nhập TPP đồng nghĩa Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường. Ngành mía đường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt là sự cạnh tranh từ Úc với chi phí sản xuất chỉ khoản 20 USD/ 1 tấn trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/ 1 tấn.
Dược: Việc giảm thuế suất về 0% từ mức thuế suất 2.5% như hiện nay sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ với thuốc bản quyền sẽ hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp nội.
Thức ăn chăn nuôi: Giá thành thức ăn chăn nuôi hiện tại của Việt nam cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn sẽ giảm từ 5% xuống 0%, đặc biệt là cạnh tranh với các sản phẩm từ Úc và Mỹ do đây là những nước có chi phí sản xuất thấp, năng suất lớn.
Theo Vietstock.
|