|
Theo thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, trên địa bàn hiện có khoảng 4.400 container hàng tồn đọng, phần lớn là hàng hóa tồn đọng từ năm 2013.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Hải quan Hải Phòng đã xử lý được khoảng 700 container hàng tồn đọng, trong đó có khoảng 600 container là lốp cao su đã qua sử dụng. Các bước xử lý hàng hóa tồn đọng, trong đó có lốp cao su đã qua sử dụng cơ bản theo đúng các trình tự quy định. Tuy nhiên, số lượng hàng tồn đọng vẫn còn rất lớn.
Cục Hải quan Hải Phòng là cơ quan thường trực của UBND TP Hải Phòng về xử lý hàng tồn đọng trong địa bàn. Theo đó, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp xử lý tình trạng trên như: tổ chức kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa; xây dựng phương án xử lý…
Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu các Chi cục Hải quan cửa khẩu phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, quản lý kho ngoại quan rà soát, cập nhật thông tin về hàng tồn đọng; chuẩn bị nhân lực hực hiện các nhiệm vụ. Đội Kiểm soát Hải quan tiến hành phân loại các lô hàng tồn từ ngày 1/1/2013 trở về trước; hàng hóa tồn đọng từ ngày 1/1/2013 đến nay sẽ giao cho các Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện. Các đơn vị phối hợp điều tra, xác minh, xử lý hàng tồn đọng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm tham mưu, xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện trong toàn Cục.
Gần đây, Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng và các Chi cục Hải quan cửa khẩu liên tiếp đăng tải thông tin, tìm chủ sở hữu các lô hàng tồn đọng trên các phương tiện truyền thông (theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC) để phục công tác xử lý hàng tồn đọng. Căn cứ vào chứng từ vận tải, các đơn vị sẽ kiểm kê, phân loại hàng hóa; tham khảo thông tin định giá hàng hóa tồn đọng; thực hiện các thủ tục theo quy định để bán thanh lý với hàng hóa đã được xác lập quyền sở hữu Nhà nước…
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, trong quá trình xử lý hàng tồn đọng cho thấy, với mặt hàng đặc thù là lốp cao su đã qua sử dụng (hiện còn tồn khoảng 2.000 container) có nhiều thuận lợi. Đây là mặt hàng được đóng đồng nhất trong container, giá bán được xác lập bằng đơn vị tấn nên việc lập hồ sơ từng lô hàng theo tên hàng, trọng lượng trên vận đơn… tương đối thuận lợi, rút ngắn được thời gian kiểm kê, phân loại. Tuy nhiên, với hàng hóa khác, việc kiểm kê, phân loại đang khiến cơ quan Hải quan mất rất nhiều thời gian.
Theo phân tích của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III- đơn vị hiện có số lượng hàng tồn đọng lớn nhất ở Hải Phòng, với mặt hàng đặc thù là lốp cao su đã qua sử dụng, việc kiểm đếm, phân loại khá nhanh. Nhưng có nhiều mặt hàng tồn khác công việc này mất rất nhiều thời gian, ví dụ như mặt hàng quần, áo đã qua sử dụng. Số lượng trong mỗi container là rất lớn, trong khi đơn vị tính để phân loại hiện nay được quy định theo chiếc. Thực tế mỗi container có tới hàng chục nghìn chiếc quần, áo các loại nên công chức Hải quan mất rất nhiều thời gian để kiểm đếm, phân loại chính xác.
Do đó, để việc phân loại các mặt hàng trên, cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại đơn vị tính các mặt hàng như: quần, áo theo hướng kiểm đếm theo tấn, vì trên thực tế mặt hàng này tồn đọng quá lâu ảnh hưởng đến chất lượng nên giá trị còn lại rất thấp. Hàng hóa đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước, việc xử lý rất thuận lợi.
Đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm (căn cứ trên chứng từ vận tải thì loại hàng hóa này khá lớn) thì việc xử lý phải tiến hành theo các quy định khác của pháp luật. Do đó sẽ phát sinh vấn đề khi cơ quan Hải quan muốn đưa về kho tạm giữ để xử lý, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng, doanh nghiệp vận tải yêu cầu thanh toán chi phí lưu kho, bãi, chi phí thuê vỏ container…
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tại Thông báo 212/TB-VPCP ngày 7/7/2015 của Văn phòng Chính phủ), đối với mặt hàng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm tra năng lực các doanh nghiệp và đơn vị có chức năng xử lý, tái chế cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn doanh nghệp đủ điều kiện để tham gia thu mua, xử lý mặt hàng cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng tồn đọng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa lựa chọn được doanh nghiệp nào đủ điều kiện để tham gia thu mua, xử lý mặt hàng cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng tồn đọng.
Theo CAND Online.
|