Logistics VN hoàn toàn có cơ hội vượt qua cả Singapore, tuy nhiên, VN đã bỏ qua mất cơ hội đó.
Nói về thực trạng ngành logistics VN trong những năm gần đây, ông Nguyễn Tương – Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội cho biết, dịch vụ logistics VN những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cả nước có khoảng 1300 doanh nghiệp tham gia phát triển dịch vụ logistics (bao gồm cả DN trong nước và nước ngoài). Riêng Hiệp hội logistics VN, có khoảng 250 hội viên trong đó có cả hội viên trong nước và nước ngoài.
Điều đáng nói, trong tổng số 1300 doanh nghiệp tham gia, DN chỉ có khoảng 25-28 DN nhưng lại chiếm tới 70-80% thị phần dịch vụ. DN Việt có số lượng chiếm ưu thế áp đảo song chỉ có được khoảng 20-25% thị phần.
Logistics chủ yếu làm thuê cho nước ngoài
Lý giải nguyên nhân, ông Tương cho biết, có những lý do sau:
Thứ nhất, DN logistics VN nhiều nhưng tiền thân đi lên từ dịch vụ giao nhận vận tải, năng lực hạn chế, quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ cán bộ logistics hạn chế, CNTT lạc hậu … do đó nói là DN logistics nhưng chủ yếu là làm đại lý hoặc làm thuê cho các DN logistics nước ngoài. Mà ở đây chủ yếu là vận tải nội địa hoặc được thuê làm các kho bãi, thuê làm đại lý hải quan hoặc làm các thủ tục hành chính liên quan…
Thứ hai, từ vấn đề về quy mô, năng lực hạn chế dẫn tới những điều kiện tiếp cận với đơn hàng bị hạn chế, không tham gia được vào toàn bộ chuỗi cung ứng mà phải làm theo từng phần, thuê đâu thì làm đó. Nếu tính trong khoảng hơn một ngàn DN logistics, VN chỉ có khoảng 10 DN có đủ năng lực tham gia vào toàn chuỗi.
Thứ ba, sự kết hợp giữa DN kinh doanh dịch vụ logistics với khâu quản lý dây truyền cung ứng chưa được tốt.
Cụ thể là sự kết hợp giữa chủ hàng với DN cung cấp dịch vụ logistics chưa tốt. Ngoài năng lực hạn chế còn có nguyên nhân từ phía các DN XNK VN đa số đều lựa chọn cách làm nhanh, dễ, gọn. Mua – Bán chỉ diễn ra tại cảng VN, phần vận chuyển quốc tế lại thuê DN nước ngoài đảm nhận. Như vậy, DN logistics trong nước chỉ đảm nhận được khâu vận chuyển trong nước, không có cơ hội tham gia vận chuyển đi quốc tế.
Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài khi được thuê vẫn phải thuê lại DN trong nước vận chuyển chính đơn hàng đi quốc tế đó. Như vậy, thay vì DN trong nước có thể nhận được đơn hàng vận chuyển trực tiếp từ DN thì lại phải đảm nhận dưới vị thế làm thuê cho DN nước ngoài. Đây là lý do ông Tương nói rằng sự phối hợp giữa các DN trong nước không tốt hay còn gọi là điểm yếu trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng chưa được giải quyết.
Khuyết điểm trên là nguyên nhân gây ra những xung đột trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua mà nhiều người đã nói tới. Nghĩa là sản xuất thấp nhưng chi phí cao, nông dân lỗ còn người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cắt cổ.
Cụ thể từ câu chuyện sản xuất lúa gạo. Bắt đầu là người nông dân trồng lúa. Rồi đến thương lái đi thu mua và bán lại cho đại lý phân phối. Đại lý phân phối thu gom rồi mới bán tới người tiêu dùng hoặc xuất khẩu. Nếu có được sự kết nối chặt chẽ giữa người nông dân sản xuất lúa gạo với DNXK, tức là có một chuỗi cung ứng hoàn thiện (trong đó có logistics) chắc chắn sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí trung gian, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề này đã không được giải quyết, đó là nguyên nhân đẩy chi phí hao hụt lên tới 10-15%, chi phí vận từ ĐBSCL lên TP.HCM mất 10USD/tấn.
Trong sản xuất thương mại cũng vậy, logistics cũng góp phần tăng giá trị gia tăng của hàng hóa XNK nếu các giải pháp vận chuyển, thương mại được áp dụng theo dây truyền thống nhất, khép kín. Bao gồm từ nơi cung cấp nguyên vật liệu tới nơi sản xuất, tiêu thụ, cách làm này góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm; cả người tiêu dùng và người sản xuất đều được lợi.
Theo báo Đất Việt.