|
“Trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, lĩnh vực có nhiều thắc mắc nhất là kiểm dịch đối với hàng hoá xuất khẩu”- Báo cáo Chỉ số thương mại qua biên giới do Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (USAID GIG) vừa thực hiện cho biết.
Sau 3 đợt khảo sát trực tiếp tại một số đơn vị Hải quan ở TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội và khu vực lân cận cùng với khảo sát bằng phiếu đối với gần 100 doanh nghiệp, báo cáo của USAID GIG nhận định, thủ tục quản lý chuyên ngành chưa có chuyển biến đáng kể, trừ quy định về hồ sơ kiểm dịch thực vật đã đơn giản hơn trước khá nhiều, giảm khoảng 60%.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30 - 35% tổng số lô hàng nhập khẩu. Riêng tại Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng khu vực I, tỷ lệ này là hơn 44%. So với năm 2014, tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành không giảm (năm 2014, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ hàng phải kiểm tra chuyên ngành khoảng 34%). Theo số liệu của Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng khu vực I, trong các loại kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng này, kiểm dịch chiếm khoảng 70%.
Báo cáo cũng nêu rõ, từ 1-1-2015, cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu hàng xuất khẩu, bao gồm cả hàng nông lâm sản như hạt điều, tinh bột sắn, dăm gỗ, cà phê..., phải kiểm dịch thực vật mới được xuất khẩu dù phía người mua nước ngoài không yêu cầu.
Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, quy định này không phù hợp, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp và đề nghị bãi bỏ. Hiệp hội Cà phê Ca cao đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho miễn thủ tục kiểm dịch đối với cà phê nhân khi 93% lượng hàng này được xuất khẩu với những nước không có yêu cầu kiểm dịch, nhưng chưa được giải quyết.
Qua khảo sát, doanh nghiệp phản ánh, nhiều trường hợp kiểm tra chỉ là hình thức. Ví dụ như men bia là loại hàng không thể mở ra ở môi trường bên ngoài để lấy mẫu kiểm tra, nhưng vẫn phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật, thực chất không kiểm tra gì mà vẫn cấp chứng nhận. Hoặc không thể cắt vải bọc của chiếc ghế để kiểm tra formaldehyte, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục cho đủ lệ bộ.
Theo phân tích của USAID GIG, tỷ lệ 30 - 35% lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan là một tỷ lệ rất không bình thường, trong khi tỷ lệ phát hiện hàng hoá không đáp ứng quy định chỉ dưới 1% và việc kiểm tra chuyên ngành lại nhằm nhiều vào hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thuỷ sản xuất khẩu.
Từ đó, USAID GIG khuyến nghị các bộ, cơ quan liên quan cần quan tâm, suy nghĩ sâu sắc về các con số này. Cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay không chỉ là gánh nặng thủ tục hành chính, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp mà còn kéo theo hệ lụy là làm phức tạp thêm thủ tục hải quan.
“Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, theo hướng không kiểm tra lô hàng xuất khẩu, mà kiểm tra cơ sở sản xuất, không kiểm tra lô hàng nhập khẩu tại giai đoạn trong thông quan, mà chuyển căn bản sang kiểm tra sau khi hàng hoá đã được thông quan, trừ kiểm dịch”- báo cáo của USAID GIG nêu rõ.
Về thời gian kiểm dịch: 84,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết thời gian kiểm dịch không nhanh hơn hoặc chậm hơn trước 2015; 15,6% doanh nghiệp cho rằng nhanh hơn trước.
Về thời gian kiểm tra chất lượng: 89,5% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết thời gian kiểm tra chất lượng không nhanh hơn hoặc chậm hơn trước 2015, chỉ có 10,5% doanh nghiệp cho rằng nhanh hơn trước.
Về thời gian kiểm tra ATTP: 89,2% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết thời gian kiểm tra ATTP không nhanh hơn hoặc chậm hơn trước 2015, chỉ có 10,8% doanh nghiệp cho rằng nhanh hơn trước.
Về tổng chi phí để hoàn thành việc xuất khẩu, nhập khẩu 1 lô hàng (không gồm thuế, cước phí vận tải quốc tế, bảo hiểm), 95.5% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết mức phí này không thấp hơn hoặc cao hơn 2014, chỉ có 4,5% doanh nghiệp cho biết mức phí 2015 thấp hơn 2014. |
Theo báo Hải Quan.
|