Cải thiện hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là chủ đề của Diễn đàn Logistics Việt Nam do Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM, ngày 16/10.
Logictics là mắt xích liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, doanh nghiệp luôn đối mặt với vấn đề phát sinh từ logictics như tăng giá các loại phí cước đột ngột, thiếu hụt container, thay đổi lịch trình khai thác của hãng tàu… ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng và chi phí phát sinh.
Hiện, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại chi phí cao, đây là thông tin mà Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết tại diễn đàn. Theo Thứ trưởng, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa tạo được sự gắn bó để hướng đến sự phát triển chung.
Khi nói về vấn đề chi phí, ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch hiệp hội logistics Việt Nam thông tin rằng, Logistics đang chịu nhiều tác động của nội lực ngành. Theo ông Quang, ngành logistic Việt Nam gia tăng nhanh về số lượng, cả nước hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu làm giao nhận, vận tải, các dịch vụ về lưu kho bãi, xếp dỡ, phân phối.
Thị phần đang nghiêng về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng 75-80%. Trong lĩnh vực, doanh nghiệp Việt đang đảm nhiệm chức năng của đại lý cấp 2, cấp 3 cho các công ty logistics ở nước ngoài. Vì chưa có mạng lưới ở nước ngoài nên mọi hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào công ty ở nước ngoài.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, công tác vận hành hệ thống cảng chưa hợp lý, nên có cảng thì quá tải, có cảng chưa khai thác hết tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận tình trạng hạ tầng thiếu sự kết nối giữa khu vực cảng và vùng sản xuất đang làm hạn chế năng lực của logistics, hầu hết các địa phương chưa có các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng.
Trong khi đó, logistics vốn có nhiều cơ hội phát triển, bởi độ mở của các ngành kinh tế đang rất lớn, và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng trong thời gian qua. Vấn đề trọng tâm hiện tại là tìm ra những cản trở dịch vụ logistics phát triển, và có những giải pháp cụ thể hỗ trợ dịch vụ này phát triển bền vững rất quan trọng.
Theo kiến nghị của ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nên định vị logistics vào cơ cấu của nền kinh tế, xem đây là nhóm ngành dịch vụ ưu tiên phát triển dài hạn, gắn với chiến lược kinh tế biển và đặt ngành trong môi trường ngành logistics khu vực. Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư thông qua mô hình hợp tác công - tư. Tiếp đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho ngành.
Còn theo ý kiến của ông Vũ, cần có biện pháp để kiểm soát việc thu cước tàu và phụ phí của các hãng tàu theo hướng ổn định nhất định. Nêu có hệ thống theo dõi container rỗng để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Theo ông Trần Tuấn Anh, chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam chiếm từ 20-25% GDP. Nếu giảm được chi phí này sẽ giúp nền kinh tế tăng sức cạnh tranh hơn.
Muốn giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngành logistics phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng giảm chi phí. Để tạo điều kiện cho ngành nâng cao năng lực theo thông tin từ BIDV, ngân hàng cam kết đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam.
Theo đó, ngay tại Diễn đàn lần này, ngân hàng BIDV và Hiệp hội Logistics Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về sự hợp tác cùng khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Theo VnEconomy