Cùng với khoản đầu tư dự kiến 30.000 tỉ đồng, cộng đồng doanh nghiệp trong nước kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách ưu đãi để chuyển hướng phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ
Bộ Công Thương cho biết nghị định về phát triển công nghiệp hổ trợ (CNHT) sẽ được Chính phủ ban hành trong năm nay. Đáng chú ý là ở nghị định này, cơ quan soạn thảo đang cân nhắc việc có nên giữ nội dung về quỹ đầu tư cho CNHT với nguồn vốn dự kiến 30.000 tỉ đồng như dự thảo trước đây hay không?
Cần chính sách hơn tiền
Liên quan đến nội dung về quỹ đầu tư cho CNHT, giám đốc một DN dệt may tại KCN Hòa Xá (tỉnh Nam Định) cho rằng sẽ có nhiều cái lợi nếu như nguồn quỹ này được vận hành đúng. Đó là đối với đa phần DN nhỏ và vừa hiện nay, việc tiếp cận vốn của ngân hàng có khó khăn nhất định. Mặt khác, nhu cầu vốn của họ không cần lớn nên nguồn vốn 30.000 tỉ đồng là đáp ứng được. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ: “Cơ chế chính sách quan trọng hơn nhiều một quỹ nào đó nên nếu không có quỹ mà có cơ chế tốt thì DN không lo lắng và sẵn sàng làm”.
Sản xuất sản phẩm hỗ trợ tại Công ty Cao su Thống Nhất Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Mai Thanh Hải - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Cáp điện VinaDaesung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho rằng duy trì và vận hành quỹ đầu tư cho sản xuất CNHT tuy có những tác dụng nhất định nhưng không cần thiết và quan trọng bằng các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, hỗ trợ thuế, đất đai... “Việc nhà nước hỗ trợ tài chính trực tiếp cho sản xuất CNHT cần cân nhắc vì vi phạm quy định quốc tế về trợ cấp hàng hóa, sản phẩm. Hơn nữa, các mặt hàng chúng ta cần hỗ trợ lại là những mặt hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày nên rất có thể sẽ bị khởi kiện” - ông Hải lưu ý.
Phải “ép” các “ông lớn” tham gia
Theo ông Mai Thanh Hải, sản xuất CNHT cần có nguồn vốn lớn, thời gian quay vòng vốn chậm. Do đó, DN dân doanh vốn có quy mô nhỏ và vừa nhiều khả năng sẽ không đủ nguồn lực để làm.
Đó là lý do mà theo ông Hải, cần phải thúc giục, thậm chí “ép” các tập đoàn kinh tế lớn làm CNHT chứ không thể trông chờ vào tư nhân. Cách thức khuyến khích và hỗ trợ các DN này có thể là cho phép dùng một phần vốn, lợi nhuận lẽ ra thuộc sở hữu nhà nước, phải nộp về nhà nước để tái đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ phục vụ ngay cho hoạt động sản xuất của mình. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như hiện nay thì càng phải gấp rút làm một cách quyết liệt bởi nếu không, các DN nước ngoài sẽ tràn vào đầu tư CNHT tại Việt Nam và kết cục TPP đem lại nguồn lợi cho họ chứ không phải cho chúng ta. “Trước mắt, nên tập trung sản xuất những sản phẩm mà chúng ta phải nhập nhiều (như dệt may, da giày nhập đến 60%-70% nguyên phụ liệu)” - ông Hải đề xuất.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, chỉ ra nguyên nhân khiến ngành CNHT của Việt Nam chậm tiến triển là do chi phí vốn của các DN trong nước rất lớn. Do vậy, chính sách hỗ trợ linh hoạt tùy vào từng bối cảnh hội nhập là rất cần thiết để các DN ngành CNHT có thể đầu tư, mở rộng sản xuất.
Hiện nay, DN Việt Nam đang phải gánh lãi suất vay ngân hàng bình quân 5%-6%/năm, cao hơn rất nhiều so với các nước . Do vậy, theo giới chuyên gia, cần phải được điều chỉnh lãi suất cho phù hợp hoặc nới lỏng chính sách, cho phép DN trong nước được vay vốn tại các ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, thuế và đất đai cũng là lĩnh vực cần hỗ trợ đặc biệt từ phía nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Kỳ vọng nhiều chính sách ưu đãi
Bộ Công Thương cho biết dự thảo nghị định về phát triển CNHT đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ, như chủ đầu tư xây dựng khu, cụm CNHT được miễn tiền thuê đất và mặt nước trong thời gian xây dựng và 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động; được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển được vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước theo quy định hoặc được cấp bù 3%/năm lãi suất vay thương mại đối với các khoản tín dụng đầu tư không quá 12 năm... Cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT đang rất kỳ vọng vào những chính sách này.
Theo Người lao động.