Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, kinh tế toàn cầu năm 2015 dự báo tăng 3,1%, thấp hơn so với kết quả tăng 3,4% trong năm trước và thấp hơn dự báo tăng 3,3% đưa ra cách đây 3 tháng.Báo cáo của IMF cho biết, GDP tại các nước phát triển dự kiến tăng 2% trong năm nay và tăng 2,2% trong năm 2016, chủ yếu nhờ đà phục hồi khiêm tốn tại khu vực đồng Euro và kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng dương do giá dầu giảm thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng, tình hình tài chính cải thiện và đồng yên mất giá so với USD.
Mặc dù GDP năm 2016 được kỳ vọng tiếp tục tăng, nhất là tại Bắc Mỹ, nhưng triển vọng trong giai đoạn trung hạn yếu ớt do đầu tư thấp, dân số bị già hóa và năng suất lao động tăng thấp.
Trái ngược với xu hướng phục hồi tại các nước phát triển, GDP tại các nước đang phát triển và mới nổi được dự báo tiếp tục giảm xuống còn 4%, thấp hơn kết quả tăng trưởng 4,6% trong năm 2014 và thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 1995-2007.
Báo cáo nhận định, nguyên nhân cơ bản khiến kinh tế toàn cầu tăng chậm là do giá hàng hóa giảm thấp, đồng bản tệ tại nhiều nước mới nổi mất giá mạnh, bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu gia tăng, rủi ro kinh tế tăng cao, nhất là tại các nước đang phát triển và mới nổi. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo mạnh và động thái phá giá cấp tập của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã gây tác động tiêu cực đối với các thị trường tài chính và hoạt động thương mại toàn cầu, biểu hiện rõ nét là giá cả hàng hóa tiếp tục giảm sâu.
Tại các nước phát triển, giá dầu thấp chỉ gây tác động nhẹ đến lạm phát lõi, còn gọi là lạm phát dài hạn (CPI đã loại trừ những yếu tố bất ổn - thường là thực phẩm và năng lượng), mặc dù giá hàng hóa giảm mạnh. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, lạm phát năm 2015 được dự báo tăng, nhưng phản ánh mức lạm phát tăng mạnh tại Venezuela (trên 100% trong năm 2015) và Ukraine (khoảng 50%). Nếu không tính những quốc gia này, lạm phát tại các nước đang phát triển và mới nổi sẽ giảm từ tỉ lệ 4,5% trong năm 2014 xuống 4,2% trong năm 2015.
Tại các nước phát triển, lạm phát được dự báo tăng trong năm 2016 và những năm tiếp theo, nhưng thấp hơn mục tiêu đề ra. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, lạm phát năm 2016 được dự báo giảm, nhất là tại những nước phá giá mạnh trong những tháng vừa qua như Nga và Brazil.
Tại khu vực đồng Euro, lạm phát năm 2015 dự báo ở mức 0,2%, giảm nhẹ so với năm 2014. Sau khi giảm xuống dưới 0% vào tháng 12/2014 và lạm phát âm trong quý I/2015, lạm phát tăng trở lại trong quý II/2015 do các hoạt động kinh tế phục hồi nhẹ, giá dầu giảm và đồng euro mất giá. Mặc dù lạm phát trong quý II cao hơn quý I, nhưng vẫn ở mức thấp. Trong năm 2016, lạm phát dự báo tăng 1%, nhưng vẫn ở mức thấp trong giai đoạn trung hạn.
Tại Nhật Bản, lạm phát có xu hướng tăng dần do tác động trễ của đồng yên yếu trong thời gian qua và thâm hụt sản lượng giảm, các biện pháp thắt chặt thị trường lao động có thể sẽ hỗ trợ tăng giá và lương. Kết quả là, dưới chính sách hiện hành, lạm phát được kỳ vọng tăng dần lên tỉ lệ 1,5% trong giai đoạn trung hạn.
Tại Mỹ, lạm phát năm 2015 được dự báo giảm xuống 0,1%. Sau khi giảm mạnh vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, lạm phát bắt đầu tăng dần mặc dù bị cản trở bởi USD tăng giá, tiền lương cứng nhắc và giá dầu giảm. Trong dài hạn, lạm phát được dự báo tăng lên ngưỡng 2% như mục tiêu đề ra.
Tại nhiều nước phát triển khác, nhất là tại châu Âu và đông Á, lạm phát được dự báo ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, giá cả hàng tiêu dùng tại Thụy Sỹ được dự báo giảm trong năm 2015 và 2016 do đồng bản tệ (franc) tăng giá mạnh từ tháng 1/2015. Tại CH Séc, New Zealand và Thụy Điển, lạm phát tiếp tục ở mức thấp, nhưng được dự báo sẽ tăng dần và đạt mục tiêu đề ra vào năm 2016-2017.
Tại các nước mới nổi, lạm phát năm 2015 có xu hướng giảm do giá dầu thấp và kinh tế tăng chậm dần, mặc dù giá dầu giảm không tác động đến tất cả các mặt hàng tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, lạm phát danh nghĩa giảm sẽ gây áp lực tăng lạm phát tại một số nước, nhất là những nước xuất khẩu hàng hóa. Trong những năm tới, giá dầu thấp sẽ gây tác động lệch pha và được bù đắp bởi các động thái phá giá và do chỉ số lạm phát giảm dần.
Tại Trung Quốc, chỉ số lạm phát được dự báo giảm xuống mức 1,5% trong năm 2015 do giá hàng hóa giảm, nhân dân tệ tăng giá và nhu cầu trong nước yếu ớt, nhưng lạm phát sẽ tăng dần trong những năm sau.
Tại Ấn Độ, lạm phát năm 2015 dự báo tiếp tục giảm, phản ánh xu hướng giảm giá dầu và giá nông sản trên toàn cầu. Tại Brazil, lạm phát trung bình trong năm 2015 được kỳ vọng tăng 8,9%, cao hơn giới hạn trần cho phép do chính phủ quyết định tăng giá một số mặt hàng và đồng bản tệ mất giá, nhưng lạm phát trong 2 năm 2016-2017 sẽ giảm dần xuống tỉ lệ 4,5%. Trái lại, lạm phát trong năm 2015 tại Nga dự báo tăng 16% do đồng bản tệ (ruble) mất giá mạnh, nhưng sẽ giảm mạnh xuống dưới tỉ lệ 9% trong năm 2016. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lạm phát năm 2015 dự báo ở mức 7,5%, cao hơn 2,5% so với mục tiêu đề ra.
Tại một số nước mới nổi, nhất là các nước châu Âu vốn có đồng bản tệ gắn kết chặt chẽ với euro, lạm phát trong năm 2015 dự báo thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng sẽ tăng dần từ năm 2016.
Nhìn chung, tình hình tài chính toàn cầu tiếp tục diễn biến thuận lợi, lãi suất tại Mỹ sẽ tăng dần, các nước phát triển sẽ từng bước trở lại chính sách tiền tệ bình thường, lạm phát sẽ tăng dần theo mục tiêu đề ra. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, giá cả các loại hàng hóa ổn định ở mức thấp, mặc dù giá dầu thế giới được dự báo tăng dần từ mức giá trung bình 52 USD/thùng trong năm 2015 lên 55 USD/thùng trong năm 2016.
Theo Báo điện tử Chính phủ