Theo nhiều chuyên gia, việc khó khăn của ngành tôm từ đầu năm 2015 đến nay không phải là điều bất ngờ
Năm 2015, bên cạnh những yếu tố về biến động tỉ giá ngoại tệ, về sâu xa mà nói thì tôm Việt Nam đang bắt đầu bộc lộ hạn chế về sức cạnh tranh và khả năng chống đỡ chật vật trước các biến động của thị trường.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản VN (VASEP), Việt Nam hiện đã khai thác đến “những giới hạn cuối” cùng trong SX và chế biến về những thuận lợi như điều kiện tự nhiên, giá nhân công rẻ…
Điều này đã được cảnh báo từ lâu, và nay đã trở thành hiện thực. Trong đó, yếu kém lớn nhất vẫn là vấn đề con giống, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch vùng nuôi… khiến giá thành tôm Việt Nam quá cao so với các đối thủ.
Cũng theo ông Lĩnh, so với Ấn Độ, giá thành SX một con tôm giống của Việt Nam hiện nay cao gấp gần 2 lần, chi phí cho thức ăn trong chăn nuôi tôm của Việt Nam cũng cao hơn Ấn Độ bình quân 40%.
Trong khi đó, do nhiều yếu tố môi trường và dịch bệnh, tỉ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ khoảng 33 – 35%, trong khi Indonesia hay Ấn Độ tỉ lệ nuôi thành công lên tới 70%. Chính những yếu tố này khiến giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn đối thủ từ 1-3 USD/kg.
Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia có thế mạnh về XK tôm hiện đã phá giá mạnh đồng nội tệ của họ khá sâu so với đồng đô-la Mỹ, trong khi Việt Nam vẫn giữ tương đối tỉ giá VND cũng đang góp phần tạo thêm khó khăn cho XK tôm thời gian qua.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam