Ngày 05/10/2015, Bộ trưởng của các quốc gia: Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP sau một thời gian dài gặp khó khăn. Hiệp định này là một thỏa thuận thương mại trong một khối chiếm 40% nền kinh tế thế giới, giúp mở ra những thị trường mới, đồng thời bảo vệ quyền của người lao động và môi trường cạnh tranh nhằm đảm bảo phát triển giữa các quốc gia với nhau.
Đối với Mỹ, hiệp định đầy triển vọng này sẽ giúp tạo ra và mở rộng thị trường xuất khẩu thực phẩm và nông sản, tăng thu nhập trong ngành nông nghiệp, đa dạng thêm các hoạt động kinh tế và tạo thêm việc làm. Hiệp định TPP cũng giúp tạo thêm và mở rộng thị trường tại các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Brunei và các quốc gia hiện chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Cần lưu ý rằng đây được coi như hiệp định song phương đầu tiên giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản.
Theo nội dung của bản tóm tắt, Việt Nam sẽ bãi bỏ thuế quan áp dụng cho trên 90% sản phẩm hiện đang nhập khẩu từ Mỹ trong vòng năm năm tới hoặc có thể sớm hơn.
Lĩnh vực chăn nuôi
Đối với các sản phẩm từ thịt lợn, Mỹ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam với giá trị 2.2 triệu USD. Sau khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất áp dụng cho thị lợn và các sản phẩm từ thịt lợn hiện tại là 30% sẽ được loại bỏ từ 5 – 10 năm. Một số sản phẩm riêng biệt như thịt đông lạnh, thịt tươi áp dụng thời gian loại bỏ từ 8 – 10 năm.
Đối với các sản phẩm từ thịt bò, giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang thị trường Việt Nam là 22.1 triệu USD trong năm 2014. Sau khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất áp dụng cho thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò, hiện tại là hơn 34%, sẽ được loại bỏ từ 3 – 8 năm. Thuế suất với các sản phẩm bắp bò tươi và đông lạnh sẽ được loại bỏ trong 3 năm.
Đối với các sản phẩm gia cầm đạt giá trị xuất khẩu 92.7 triệu USD từ Mỹ sang thị trường Việt Nam trong năm 2014. Sau khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất áp dụng cho gia cầm và các sản phẩm thị hiện tại là 40% sẽ được loại bỏ sau 13 năm. Thuế suất áp dụng cho sản phẩm thịt gà đông lạnh sẽ được loại bỏ sau 11 năm.
Đối với các sản phẩm từ sữa, Mỹ xuất khẩu 264 triệu USD sang Việt Nam trong năm 2014. Sau khi TPP có hiệu lực, thuế suất áp dụng cho các sản phẩm này, hiện tại là 20%, sẽ bị loại bỏ trong vòng 5 năm. Thuế suất các sản phẩm từ pho mát, bột sữa và sữa nước sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.
Lĩnh vực nông nghiệp
Đối với gạo và các sản phẩm từ gạo, hiện tại mức thuế suất đang được Việt Nam áp dụng cho gạo nhập khẩu từ Mỹ là 40% sẽ được loại bỏ ngay lặp tức.
Các sản phẩm chế biến từ gạo hiện có mức thuế suất 34% sẽ được loại bỏ trong vòng 8 năm.
Đối với lúa mạch và các sản phẩm từ lúa mạch, Mỹ không xuất khẩu lúa mạch sang Việt Nam trong năm 2014. Sau khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất cho lúa mạch và các sản phẩm từ lúa mạch mà Việt Nam áp dụng sẽ được giữ ở 0% và 15% thuế suất đối với bột lúa mạch sẽ loại bỏ sau 4 năm.
Đối với lúa mỳ và các sản phẩm từ lúa mỳ, mức thuế áp dụng hiện tại là 35% sẽ được loại bỏ trong vòng 4 năm.
Đối với sản phẩm rau xanh và qua chế biến, mức thuế hiện tại là 40% sẽ được loại bỏ sau 11 năm hoặc nhanh hơn, một số sản phẩm sẽ được loại bỏ thuế ngay lập tức.
Đối với ngô và các sản phẩm từ ngô, Mỹ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam với giá trị 270 triệu USD trong năm 2014. Sau khi TPP có hiệu lực, thuế suất của Việt Nam áp dụng cho ngô và các sản phẩm từ ngô, hiện tại là hơn 20%, sẽ bị loại bỏ từ 4 – 7 năm.
Đối với khoai tây và các sản phẩm từ khoai tây, mức thuế hiện áp dụng là 34% sẽ bị loại bỏ trong vòng 6 năm. Sản phẩm khoai tây chiên đông lạnh với thuế suất 13% sẽ được loại bỏ sau 4 năm.
Đối với bông, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ là 393 triệu USD trong năm 2014. Sau khi TPP có hiệu lực, các loại thuế mà Việt Nam áp dụng cho sản phẩm này, hiện tại là 10%, sẽ được loại bỏ trong vòng 4 năm.
Đối với trái cây, các sản phẩm táo, lê và cherry, mức thuế hiện tại là 10% sẽ được loại bỏ trong 3 năm. Đối với các sản phẩm thuộc họ cam quýt, cam tươi hiện đang áp dụng thuế suất 20% sẽ được loại bỏ trong 4 năm; thuế suất 20% đối với chanh sẽ được loại bỏ trong 3 năm và thuế suất áp dụng cho các sản phẩm nước ép hiện tại là 25% sẽ được loại bỏ từ 5 – 8 năm.
Đối với lạc và các sản phẩm từ lạc, hiện đang áp dụng mức thuế suất là 30% sẽ được loại bỏ trong vòng 8 năm.
Đối với đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, hiện kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là 523 triệu USD. Mức thuế suất áp dụng cho các sản phẩm này hiện tại là 30% sẽ được loại bỏ từ 3 – 11 năm.
Đối với hạt cây, các sản phẩm này đang chịu mức thuế suất là 35%, sau khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất này sẽ được xóa bỏ trong khoảng thời gian từ 3 – 6 năm.
Lĩnh vực chế biến từ nông nghiệp
Đối với sản phẩm nước hoa quả, Mỹ xuất khẩu sang Việt nam với giá trị 22 triệu USD trong năm 2014. Sau TPP, mức thuế suất 40% áp dụng cho các sản phẩm này sẽ được loại bỏ trong vòng 8 năm.
Đối với các sản phẩm qua chế biến, Mỹ xuất khẩu với giá trị 604 triệu USD sang Việt Nam trong năm 2014. Hầu như các sản phẩm này được áp thuế suất hiện tại là 55%, sau TPP, mức thuế này sẽ được xóa bỏ trong vòng 12 năm. Thuế suất áp dụng cho các sản phẩm như bánh ngọt, bánh quy, bánh mỳ và các sản phẩm từ tinh bột sẽ bị loại bỏ sau 8 năm.
Theo Vietstock