Tổ chức vận tải của Việt Nam được đánh giá là chưa khoa học, lãng phí dẫn tới chi phí logistics cao. Việc xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ là một giải pháp tốt để xử lý vấn đề này.
Thiếu thông tin dẫn tới chi phí cao
Hoạt động giao dịch vận tải hàng hóa của Việt Nam chủ yếu được thực hiện dựa trên những mối quan hệ truyền thống, giữa các đơn vị vận tải và chủ hàng. Vì vậy, thông tin về thị trường, nguồn hàng không đầy đủ. Chính thông tin không đầy đủ này dẫn tới thực trạng là sự kết hợp giữa hàng chiều đi và chiều về thấp.
Theo khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỉ lệ chạy xe rỗng của Việt Nam là rất cao, từ 30-50%. Tỉ lệ xe chạy rỗng cao chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chi phí logistics trong nền kinh tế của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá chi phí này của Việt Nam chiếm 20%, trong khi con số này ở các nước ASEAN chỉ từ 10-15%, còn ở các nước phát triển như Đức thì chỉ 6%.
Mặt khác, chi phí về vận tải chiếm tới 60% trong chi phí logistics. “Vì vậy, tổ chức vận tải của Việt Nam hiện nay theo đánh giá là chưa khoa học, dẫn tới rất lãng phí”, ông Quyền nói.
Sớm thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam được TTXVN dẫn lời cho biết, việc thành lập các sàn giao dịch vận tải hàng hóa Việt Nam đã được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu xây dựng từ năm 2014 và vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Tổng cục đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để hình thành sàn giao dịch vận tải hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Sàn giao dịch vận tải hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng giúp việc tổ chức vận tải khoa học hơn và hình thức này đã được nhiều nước áp dụng. Khi sàn giao dịch hoạt động tốt, các chủ hàng tham gia đầy đủ tích cực, đăng tải toàn bộ thông tin, nhu cầu vận tải của mình lên đó, các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ khai thác thông tin này để giao dịch với nhau, qua đó giúp nắm thông tin để giao dịch, kết hợp vận chuyển hàng chiều đi, chiều về được tốt.
Theo ông Quyền, nếu tổ chức vận tải khoa học có kết nối tốt giữa các đơn vị vận tải, tỉ lệ vận chuyển hàng hóa hai chiều tăng lên, ngoài việc mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, cho chính các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ hàng thì còn góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giảm tác hại của việc phát thải khí CO2, góp phần bảo vệ môi trường.
Việc tổ chức vận tải hàng hóa khoa học sẽ giảm bớt được lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường, qua đó góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ngoài ra, khi giao dịch diễn ra một cách công khai, minh bạch và các chủ hàng có thể tổ chức đấu thầu khối lượng vận tải trên sàn, giá cước vận chuyển sẽ được minh bạch, qua đó giúp tiếp cận được sát hơn với thị trường, tránh được các khâu trung gian.
Khi các đơn vị vận tải vào sàn này để tìm kiếm thông tin, giao dịch vận tải hàng hóa thì sẽ trả phí khai thác. Nếu hiện nay, các đơn vị này phải chi tiền môi giới thì việc thu phí theo hình thức này để khai thác thông tin và giao dịch vận tải sẽ thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, so với cái lợi có được từ việc có thể kết hợp vận chuyển hàng hóa hai chiều, thì phí khai thác thông tin qua sàn lại càng thấp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện Công ty Điện tử Hanel (Hà Nội) và Công ty Điện tử Vinh Hiển (TPHCM) đang phối hợp với Tổng cục, làm việc với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), để hoàn thiện các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật, xin cấp phép thành lập.
Với chủ trương theo hướng xã hội hóa, hai doanh nghiệp này đang đứng ra làm thí điểm và sẽ chịu toàn bộ chi phí về mặt bằng, thiết bị và nhân lực. Phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ yếu hỗ trợ thông qua nghiên cứu để hướng dẫn về mặt thể chế, kết nối các cơ quan Nhà nước có liên quan…
Theo báo Chính phủ.