|
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh rất tự tin thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2015. Các DN dệt may cũng đang đặt nhiều kỳ vọng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong năm 2016.
Tự tin về đích
Ông Dương Chí Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Tường Long (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TX.Dĩ An) cho biết, đến thời điểm này hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty đã đạt hơn 90% kế hoạch năm 2015. Dự tính trong tháng 12 này, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch năm; theo đó sản xuất được 5 triệu mét/năm đối với lượng hàng vải jean và 5 triệu mét/năm đối với lượng hàng vải kaki. Năm nay ước lợi nhuận của công ty tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... với nhiều đối tác có thương hiệu trên thị trường như Công ty J.C.Penny, Công ty Resources, Công ty Stylem....
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Giám đốc Công ty May Quốc tế (xã An Điền, TX.Bến Cát), đến thời điểm này hoạt động sản xuất của các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được từ 90% trở lên theo kế hoạch năm, có DN đã đạt 100% kế hoạch năm.
Kỳ vọng năm 2016
Năm 2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng dệt may đang có đà tăng trưởng và bứt phá ngoạn mục nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được Việt Nam ký kết. Hàng dệt may sẽ là một trong những ngành mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Khi tham gia các FTA, thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0%. Đây là cơ hội lớn để thương hiệu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới.
Theo ông Dương Chí Hảo, TPP là cơ hội lớn để DN mở rộng xuất khẩu, nhất là đối với ngành dệt may. “Tôi tin tưởng rằng, ngành dệt từ năm 2016 trở đi sẽ không thiếu đơn hàng. Hiện nay, Công ty TNHH Dệt Tường Long đã có đơn hàng đến hết tháng 3 -2016. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để tăng cường sản xuất; đồng thời chú trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực”, ông Hảo cho biết thêm.
Bà Phan Lê Diễm Trang cho biết, hiện nay ở những thị trường truyền thống của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu... các DN đã đủ đơn hàng năm 2015 và triển vọng tăng trưởng ở các thị trường này còn rất lớn. Năm 2016, các DN kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thị trường mới thông qua các FTA đã và sẽ được Việt Nam ký kết.
Tuy nhiên theo bà Trang, để tận dụng được từ những lợi ích mà các FTA mang lại thì các DN cần phải chuẩn bị thật kỹ từ vốn, sản xuất đến công nghiệp phụ trợ. Nhất là phải tìm hiểu thật kỹ về TPP để nắm vững những thuận lợi cũng như thách thức mà TPP đặt ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có thêm những chính sách phù hợp để hỗ trợ DN.
Kết quả hoạt động sản xuất, xuất khẩu năm 2015 của các DN dệt may trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần hoàn thành kế hoạch năm, mà còn là nền tảng để họ đưa ra chiến lược tận dụng những lợi ích các FTA, nhất là TPP mang lại. Từ đó tạo những bứt phá ngoạn mục cho ngành dệt may Việt Nam.
Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương cho biết, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh ước đạt 2,09 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 9,6% tổng kim ngạch xuất của cả tỉnh và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có sự tăng trưởng cao, trung bình từ 8 đến 11%. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đàm phán thành công TPP, FTA với EU, Hàn Quốc, Nga, Kazakhstan... ngoài việc được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, ngành dệt may còn có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên của các hiệp định này. Trong năm 2015, hầu hết DN đều có các đơn hàng xuất khẩu ổn định, giá trị đơn hàng cũng tăng bình quân từ 5 - 10% so với năm 2014. |
Theo Báo Bình Dương điện tử
|