Một nghiên cứu với sự tham gia của gần 500 doanh nhân Việt Nam về nhận thức hội nhập kinh tế nhưng kết quả đáng buồn là tỉ lệ nhận thức, hiểu biết về các hiệp định này còn… thua cả Lào, Campuchia, Thái Lan!
Ngày 28-12, Trường Doanh nhân PACE và Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục đã công bố kết quả Dự án nghiên cứu khảo sát “Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam”.
Nghiên cứu được thực hiện và hoàn tất trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị chính thức thành lập vào ngày 31-12-2015. Nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy một bức tranh màu xám với nhiều thông tin “gây sốc” khi phần lớn doanh nghiệp được hỏi không am hiểu về các nội dung cụ thể của TPP, AEC.
Khảo sát được tiến hành trong gần 500 doanh nhân là lãnh đạo cấp cao (82,7%), quản lý cấp trung (9,9%) và khác (7,4%), có thể được xem là đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, nhất là “đầu tàu” kinh tế TP HCM.
Cụ thể, doanh nghiệp ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện qua tỉ lệ phần trăm chưa biết đến và hầu như không quan tâm tới AEC (56,8%), TPP (40,9%) và cả WTO (33,45). Chi tiết hơn, có tới 85,5% doanh nghiệp được khảo sát không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC, tỉ lệ này đối với TPP là 77,8% và đối với WTO cũng lên tới 66,3%.
Nhận thức của doanh nghiệp Việt về các nội dung cụ thể của AEC, TPP và WTO cũng chưa đúng và rất khác nhau. Nội dung này thể hiện qua việc nhận biết một số mốc thời gian quan trọng và những nội dung cốt lõi của hiệp định. Đối với AEC, có tới 75,7% doanh nghiệp trả lời sai về năm dự định thống nhất AEC là 2015 và 81,5% không biết đến một trong những mục tiêu quan trọng của AEC là hướng đến một cơ sở sản xuất chung thống nhất.
Ngay với TPP, hiệp định thương mại thế kỷ đang nhận được sự quan tâm rất lớn cả trong và ngoài nước nhưng khảo sát cũng cho thấy có 86,1% doanh nghiệp trả lời sai về năm Việt Nam tham gia đàm phán là 2010 và 56,6% trả lời sai về năm TPP dự định hoàn tất đàm phán là 2015. Đặc biệt, có tới 57% doanh nghiệp Việt Nam không biết một trong những nội dung quan trọng của TPP là cắt giảm hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên…
Dù vậy, khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp nhận thức khá rõ ràng về lợi ích sâu xa của hội nhập như nâng cao và mở rộng thương hiệu, khẳng định vị thế quốc gia. Các doanh nghiệp cho rằng yếu tố pháp lý sẽ là yếu tố quan trọng giúp quá trình hội nhập thuận lợi hơn…
Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam tìm hiểu sâu và tương đối toàn diện về nhận thức hội nhập của doanh nghiệp, thể hiện qua mức độ quan tâm, sự hiểu biết đối với những nội dung quan trọng của các hiệp định mang tính khu vực và toàn cầu.
Trước đó, một số nghiên cứu khác chỉ tập trung khám phá nhận thức của doanh nghiệp Việt đối với hội nhập kinh tế qua một số hiệp định cụ thể như TPP trong nghiên cứu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) vào tháng 5-2015 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), hoặc AEC trong khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á công bố 2013 và Viện Nghiên cứu phát triển công bố 2015.
Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu đã công bố một kết quả gây… bất ngờ hơn, là nhận thức và hiểu biết về hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam còn thua cả các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Myanmar.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) năm 2013, có khoảng 76% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi không biết đến AEC, so với con số 26% ở Campuchia, 28% ở Lào và 36% Myanmar.
Doanh nghiệp Việt cũng xếp cuối cùng trong 9 nước tham gia khảo sát về nhận định tác động của hội nhập kinh tế ASEAN đến hoạt động kinh doanh, khi chỉ 37% doanh nghiệp Việt cho rằng việc hội nhập vào khu vực này có tác động mạnh và 63% còn lại nói rằng không có tác động hoặc rất nhỏ. Con số này ở Campuchia lần lượt là 60% và 38%, ở Lào là 65% và 35% trong khi Thái Lan nhìn nhận tác động mạnh của AEC lên tới 84% và không tác động ở mức rất thấp 16%. Đến năm 2015, khảo sát của PACE, nhận thức về AEC của doanh nghiệp Việt có cải thiện hơn 2 năm trước nhưng vẫn xếp sau các nước Lào, Campuchia!
Theo Người lao động.