Trong khi hàng loạt thương hiệu phải “ra đi”, vẫn còn vài doanh nghiệp không chỉ làm hàng xuất khẩu tốt mà còn trụ vững ở thị trường trong nước
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN + Trung Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tác động, diện mạo thị trường may mặc nội địa chắc chắn sẽ thay đổi. Hàng hóa ngoại nhập xuất hiện nhiều hơn ở tất cả kênh phân phối. Do vậy, thách thức đối với doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ trực tiếp hơn.
Thắng nhờ chất lượng, giá cả
Nhờ tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường với 105 cửa hàng trong cả nước, bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty May Thêu Giày An Phước, không tỏ ra bi quan khi nhận định về tương lai: “Tôi thấy khách hàng nội địa vẫn ủng hộ DN Việt. Muốn người Việt dùng hàng trong nước, trước tiên thương hiệu Việt phải khẳng định chất lượng. Để cạnh tranh, An Phước phải vừa “đánh” vừa định vị lại thị trường, chứ không chủ quan”.
Từ năm 1995, khi tham gia thị trường nội địa, đến nay, Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã xây dựng được hệ thống phân phối với 1.390 cửa hàng, đại lý. Ngoài thương hiệu Việt Tiến quen thuộc, công ty còn sở hữu nhiều thương hiệu thời trang từ cao cấp đến trung bình, dành cho cả người lớn và trẻ em.
Gần đây, Việt Tiến còn mở rộng sang mảng chăn, drap… Những thương hiệu của Việt Tiến như TT-up, San Sciaro, Manhattan, Smart Casual, Việt Long, Việt Tiến Kid, Camellia đang từng bước chinh phục người tiêu dùng trong nước nhờ chất lượng.
Hệ thống Blue Exchange với hơn 200 cửa hàng trên cả nước đã chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng trẻ. Thành công là nhờ ông chủ của thương hiệu này tự thân vươn lên, nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng thời trang của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, Blue Exchange còn hoàn thiện quy trình sản xuất, tiết giảm chi phí để có giá thành thấp, tăng khả năng cạnh tranh.
Xây thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết những năm gần đây, hàng dệt may tiêu thụ nội địa tăng trung bình 10%-15%. Một số thương hiệu đã được người tiêu dùng ưa chuộng. “Trước đây, DN chưa chú trọng nghiên cứu thị trường nội địa. Vì vậy, khi mới trở lại sân nhà, họ gần như bị động trong sáng tạo mẫu mã, tìm kiếm chất liệu mới. Nay đã khá hơn, nhiều DN đầu tư bài bản hơn” - ông Dũng nhìn nhận.
Theo bà Điền, cạnh tranh với sản phẩm trong khối ASEAN là không tránh khỏi. Do đó, DN chỉ còn cách tự củng cố, tăng giá trị cộng thêm cho sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn. “Trước mắt, chúng tôi dồn hết sức để tồn tại trước sự xâm nhập ngày càng nhiều của hàng hóa ASEAN. Ngoài nỗ lực cải tiến, An Phước còn lập phương án dự phòng trước những biến động có thể xảy ra. Đối phó với biến động lao động trong ngành dệt may, lao động sẽ bỏ công ty sang nơi khác, An Phước nhập thêm thiết bị tự động và bán tự động.
Đồng thời, tích cực cải tiến sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào để có giá cạnh tranh. Dù thị trường sẽ khó khăn hơn nhưng An Phước vẫn cố gắng duy trì mức tăng trưởng 15%-17%/năm. An Phước đã xây dựng hệ thống 105 cửa hàng trên cả nước; năm 2016, dự kiến mở thêm 10 cửa hàng. Chúng tôi đang tái cơ cấu, sắp xếp lại các cửa hàng không hiệu quả” - bà Điền nói.
Ông Hoàng Vệ Dũng cho rằng để đối phó với các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực, DN trong nước cần áp dụng 2 giải pháp chính: Đẩy mạnh thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu; tích cực mở rộng hệ thống phân phối để tiếp cận người tiêu dùng.
Mong lãi suất vay bằng các nước
Trao đổi với báo chí trong buổi tổng kết hoạt động của Vinatex mới đây, ông Hoàng Vệ Dũng cho biết ngay năm nay, hàng may mặc của ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, đe dọa trực tiếp sản xuất trong nước, chứ không còn là chuyện của tương lai. Trong tình thế này, DN mong lãi suất giảm hơn nữa, tiến đến bằng lãi suất của nhiều nước để giảm chi phí, cạnh tranh tốt hơn. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để DN nhỏ và vừa dễ tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.
Theo Người lao động.