Bộ luật Hàng hải VN 2015 là cơ sở đột phá, đưa kinh tế biển Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ luật Hàng hải VN 2015 là cơ sở đột phá, phát triển kinh tế biển Việt Nam
Nhân dịp đầu xuân mới, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang đã trao đổi với Báo Giao thông về những nội dung mới trong Bộ luật Hàng hải VN 2015, là cơ sở để đột phá, đưa kinh tế biển Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn số một của đất nước.
Đưa kinh tế biển lên vị trí số một
Thưa ông, Bộ luật Hàng hải VN 2015 vừa được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước có Lệnh công bố luật. Ông có thể cho biết những nội dung mới nhất của Bộ luật?
Bộ luật Hàng hải VN 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 tại Kỳ họp thứ 10 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 8/12/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Đây là Bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, được ban hành lần đầu vào năm 1990 và sửa đổi năm 2005. Lần này, Bộ luật được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện, gồm 20 chương, 341 điều, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải...
Trong bối cảnh ngành Hàng hải cam kết mở cửa hội nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế hàng hải toàn cầu, chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020 cũng xác định kinh tế biển từ sau năm 2020 là ngành kinh tế giữ vị trí số một Quốc gia.
Bộ luật Hàng hải VN 2015, cùng với những quy định mang tinh thần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đã đưa ra những chính sách mang tính đột phá, khắc phục những bất cập hiện tại.
Quy định về Ban quản lý khai thác cảng biển được đưa vào Bộ luật mới, ông có thể cho biết rõ hơn, vì sao quy định này lại được cho là mang tính đột phá nhất?
Theo cách thức quản lý hiện nay, các cầu, bến cảng tại một cảng biển do nhiều tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý khai thác. Điều này dẫn đến tình trạng xây dựng manh mún, “phân lô” cầu bến cảng biển, làm giảm hiệu quả và lãng phí trong khai thác cảng biển.
Quy định về Ban quản lý và khai thác cảng là nội dung đột phá nhất trong tất cả các nội dung được sửa đổi. Đây là mô hình rất thành công tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới; họ vẫn gọi đó là “Chính quyền cảng - Port Authority”. Quy định Ban quản lý khai thác cảng biển đưa vào Bộ luật Hàng hải VN 2015 có thể giúp khắc phục được thực tế bất cập này tại các khu vực cảng biển Việt Nam.
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang.
Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hàng hải
Bộ luật sửa đổi cũng quy định về hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác đối với kết cấu hạ tầng cảng biển. Điều này sẽ mang lại lợi ích gì?
Cho thuê, chuyển nhượng cho tư nhân kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, là quy định mới, táo bạo, lần đầu tiên được đưa vào Luật, song phù hợp với xu thế nền kinh tế, sẽ tạo bước đột phá thúc đẩy ngành Hàng hải nước ta phát triển.Quy định này thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, phát huy nội lực, với định hướng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác tất cả những lĩnh vực mà họ có thể làm được.
Ban quản lý và khai thác cảng được giao quản lý toàn bộ vùng đất và vùng nước cảng biển hoặc một khu vực cảng biển.
Căn cứ điều kiện thực tế và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại khu vực, Ban quản lý quyết định thời điểm, tiến độ và quy mô đầu tư xây dựng từng cầu bến cảng, khu hậu cần sau cảng trong vùng đất, vùng nước đó, bảo đảm việc cho thuê khai thác hiệu quả những cầu bến được xây dựng.
Ông Nguyễn Xuân Sang
Đặc biệt, là khai thác được tiềm lực và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư tư nhân. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo hành lang pháp lý minh bạch, cơ chế chính sách thông thoáng cho nền kinh tế vận hành.
Thưa ông, còn những quy định nào nữa của Bộ luật giúp mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Tinh thần cải cách hành chính được thể hiện cụ thể như thế nào?
Tinh thần của Bộ luật Hàng hải VN 2015 là tạo ra những chính sách mạnh, đồng thời cải cách giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho DN và người dân, nhằm thúc đẩy sức mạnh đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hải.
Những quy định về quyền vận tải biển nội địa cho đội tàu VN; Khuyến khích phát triển logistics; Quy định về thuyền viên và thuyền bộ theo đúng Công ước về lao động Hàng hải (MLC 2006); Các quy định công khai minh bạch về đăng ký và mua bán tàu biển giúp hạn chế tổn thất và các trường hợp làm khó chủ tàu; Quy định bỏ Hộ chiếu thuyền viên, bãi bỏ các thủ tục hành chính chấp thuận tên tàu biển, đặt tên cảng biển, bến cảng, khu nước; Sửa đổi bổ sung quy định về lai dắt tàu, hoa tiêu, phá dỡ tàu cũ... theo hướng rõ ràng, minh bạch, phù hợp với quy định quốc tế đang được các DN và người dân chờ đợi.
Tất cả các điều này tới đây sẽ được Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN quyết liệt triển khai để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN.
Cảm ơn ông!
Theo báo Giao thông.