Các trạm thu phí đặt quá gần, phí lại tăng sớm hơn quy định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cho phép Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa và Công ty CP Xây dựng 194 được tổ chức thu phí tại Trạm Ninh An (thị xã Ninh Hòa) và Trạm Cam Thịnh (TP Cam Ranh) trên Quốc lộ 1 để hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT.
Chi phí vận tải tăng vọt
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ mà 2 trạm thu phí trên thực hiện theo quy định tại Thông tư 194 ngày 24-11-2015 của Bộ Tài chính. Theo đó, 2 trạm Ninh An và Cam Thịnh sẽ tăng phí từ ngày 10-1, mức thu sẽ tăng từ 15.000 - 120.000 đồng/lượt tùy trọng tải xe lên 35.000 - 200.000 đồng/lượt.
Điều đáng nói là phí đường bộ qua các trạm BOT đã tăng từ ngày 1-1-2014, tính đến ngày 1-1-2016 vẫn chưa đủ định kỳ 3 năm theo quy định trong Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Chính vì vậy, với đợt tăng phí lần này, các doanh nghiệp (DN) vận tải cho rằng họ vừa phải đóng phí đường bộ hằng năm vừa bị thu phí qua trạm BOT. Không những phí tăng cao, các trạm BOT dày đặc đang khiến chi phí vận tải đội lên khá cao.
Trạm thu phí BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông Ảnh: Cao Nguyên
Chủ nhà xe Đức Lộc cho biết chỉ chạy tuyến Nha Trang - Phan Rang khoảng 110 km nhưng phải qua 2 trạm thu phí. Trước đây, một ngày mỗi xe chỉ tốn 24.000 đồng, sau khi tăng giá thì phải trả 124.000 đồng. Tính cả phí đường bộ và phí cầu đường, mỗi tháng, đội xe của DN này mất trên 100 triệu đồng. “Nếu tăng giá vé thì hành khách phản ứng nên chúng tôi chưa biết tính sao” - chủ nhà xe Đức Lộc bức xúc.
Tại trạm thu phí BOT đoạn Km 1738+148 đến Km 1763+610 (tỉnh Đắk Lắk), hiện mức thu xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng là 35.000 đồng/lượt; xe từ 12-30 ghế, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 50.000 đồng/ lượt; xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 75.000 đồng/ lượt; xe tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet 140.000 đồng/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet 200.000 đồng/lượt. Mức giá này cũng được áp dụng cho 3 trạm thu phí BOT mới đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo Bộ Tài chính, để lùi thời hạn tăng phí của các trạm BOT thì phải có thông tư mới thay thế thông tư cũ. Hiện nay, 23 trạm BOT đang thu phí trên các tuyến quốc lộ vừa tăng phí, nếu lùi hạn tăng phí đến ngày 1-6 thì phải ban hành tới 23 thông tư tương ứng. Trong khi đó, văn bản đề nghị lùi thời hạn tăng phí của Bộ GTVT gửi đến Bộ Tài chính ngày 25-12-2015 cho rằng không kịp nghiên cứu, ban hành các thông tư mới.
Theo Bộ Tài chính, các trạm đã in và bán vé theo giá mới nên không thể lùi thời gian tăng phí như đề xuất của Bộ GTVT.
500 km có tới 10 trạm
Theo quy định của Chính phủ, khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm thu phí là 70 km. Tuy nhiên, hiện nhiều trạm thu phí lại có khoảng cách ngắn hơn.
Ông Hoàng Thanh Phương, chủ nhà xe Thanh Trâm (tỉnh Đắk Lắk), cho biết từ đầu tỉnh Đắk Nông đến Bến xe Miền Đông - TP HCM (đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 13) chỉ khoảng 330 km nhưng có tới 8 trạm thu phí ở Đắk Nông (3), Bình Phước (2) và Bình Dương (3). Như vậy, trung bình chỉ hơn 40 km có một trạm thu phí.
Từ ngày 26-10-2015, Công ty CP BOT và BT Đức Long Gia Lai đã chính thức thu phí tại 2 trạm đặt tại Km 1610+800 và Km 1667+470 đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14). Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 trạm thu phí này lại chưa đến 60 km.
Anh Nguyễn Quốc Dương, tài xế xe tải thường xuyên chở hàng từ Tây Nguyên đi các tỉnh Đông Nam Bộ, phàn nàn: “Biết là người ta bỏ tiền ra làm đường thì người sử dụng phải đóng phí nhưng nhiều quá, hơn 500 km mà có tới 10 trạm thu phí. Nhiều trạm thu phí quá thì chúng tôi phải tăng cước vận tải, cuối cùng chủ hàng phải chịu”.
Ông Trương Văn Luận, Phó Giám đốc Công ty Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai, cho biết nhiều DN vận tải đang điêu đứng vì phí qua trạm.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, để giảm bớt gánh nặng cho các DN vận tải, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, tháng 4-2015, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc, sắp xếp bố trí nguồn vốn mua lại một số dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh để xóa trạm thu phí. Sau đó, Bộ GTVT có văn bản cho biết Quốc hội chưa có chủ trương cho phép phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, trong khi vốn Bộ GTVT được phân bổ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu đầu tư nên chưa đủ ngân sách mua lại các trạm.
Bộ GTVT: “Tăng phí là phù hợp”
Theo Bộ GTVT, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm đang thu phí và sẽ thu phí khi những dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT). Cụ thể, 47 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT và 59 trạm chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí sau khi hoàn thành (từ nay đến năm 2018).
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng về các trạm thu phí dự án BOT trên hệ thống quốc lộ cả nước, Bộ GTVT cho biết trong 96 trạm thu phí, 83 trạm do bộ ký hợp đồng với các nhà đầu tư, 13 trạm do UBND các tỉnh, thành ký hợp đồng. Bộ GTVT khẳng định việc thành lập trạm thu phí đối với các dự án BOT đã tuân thủ quy định của Bộ Tài chính, được địa phương liên quan đồng thuận.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định 23 trạm BOT đồng loạt tăng phí từ ngày 1-1 vừa qua nằm trong lộ trình hoàn vốn của nhà đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Trường lý giải tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm qua ổn định, giá xăng giảm, chi phí vận tải cũng giảm thì việc tăng mức phí vào thời điểm này là hợp lý.
“Tất cả phương án tăng phí đã thống nhất với nhà đầu tư, bây giờ không thực hiện sẽ phá vỡ phương án tài chính, khi đó sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng. Hiện nay, căn cứ từng dự án, nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng giảm phù hợp” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Đối với một số trạm có mức thu tăng cao, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng do các trạm gộp lại. Vì không phải do một trạm tăng phí nên mức tăng không phải là cao.
Trước đó, từ ngày 1-1, có 23 trạm BOT điều chỉnh tăng phí. Cụ thể, 10 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe nhóm 1; 5 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/lượt; 5 trạm tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt; 1 trạm tăng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng; 1 trạm tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt; 1 trạm tăng từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng.
Theo Người lao động.