Ba khu vực tư vấn chuyên sâu của ban tổ chức tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ ngày 13-3 luôn thu hút đông đảo học sinh.
Thầy Nguyễn Trung Nhân - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 trường THPT Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) - cho biết năm nay nhà trường hợp đồng thuê 4 xe khách để đưa 140 học sinh đến với ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT tổ chức tại Cần Thơ ngày 13-3.
Cả đoàn đến nơi lúc mới chỉ 4 giờ sáng khi cổng trường Trường ĐH Cần Thơ vẫn chưa mở cửa.
Nét đặc biệt, đến tham dự ngày hội không chỉ học sinh lớp 12 mà hơn 80 em học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu đã đến trường tham dự từ sáng sớm.
Trần Ngọc Minh (lớp 11B2) chia sẻ các bạn không nghĩ phải đến năm lớp 12 mới định hướng chọn ngành học mà từ bây giờ phải hiểu về qui chế tuyển sinh, cũng như điều kiện tuyển sinh của các trường để có quyết định sớm, và tập trung vào các môn học thật tốt.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Ngọc Diệu, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B2 cho biết khi nghe các em đề nghị cô rất vui vì các em biết nghĩ đến tương lai từ sớm. “Sau ngày hội chúng tôi dự định năm sau không chỉ cho các em khối 11,12 đi tham dự mà sẽ đưa cả khối 10”, cô Diệu dự định.
Tại khu vực giải đáp chuyên sâu nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nông lâm, công nghệ…, nhiều vấn đề nóng và cấp thiết về các ngành này được các thầy cô trong ban tư vấn giải đáp chi tiết.
Đam mê là tố chất đầu tiên
Một học sinh băn khoăn: “Người như thế nào thì phù hợp với ngành cơ khí chế tạo máy?”.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Không chỉ riêng ngành cơ khí chế tạo máy mà tất cả các ngành nghề, nếu muốn theo đuổi điều đầu tiên em phải có sự đam mê, yêu thích ngành nghề đó. Riêng ở một số trường kỹ thuật tốp trên mỗi năm buộc thôi học 500 sinh viên. Những sinh viên này thường rơi vào số không có đam mê với ngành học. Khi thi vào nghe lời cha mẹ mà không có đam mê nên nản dần, rồi kết quả học tập kém”.
Cũng theo thầy Dũng, công cụ về công nghệ thông tin đã giúp con người rất nhiều, ngày xưa vẽ tay, giờ vẽ trên phần mềm, hồi xưa phải gia công tiện phay bào, hiện nay chỉ cần đưa bản vẽ vào là máy CNC sẽ làm toàn bộ. Do đó tất cả các em học tốt môn toán, lý đều có thể học tốt ngành này.
Logistics, ngành mới xuất hiện ở VN
Một học sinh tên Như đến từ tỉnh An Giang, đặt câu hỏi: “Ngành logistics là gì, trường nào đào tạo ngành này, sinh viên sẽ học những gì và ra trường sẽ làm việc ở đâu ạ ?”.
PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết logistics là ngành học về chuỗi cung ứng sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm… Đây là ngành mới xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý đây là ngành có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất trường. Còn cơ hội việc làm sau khi ra trường là vô cùng lớn.
ThS Lê Quang Thành - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm hiện tại ở VN có hơn 1.500 doanh nghiệp chuyên về dịch vụ logistics, lực lượng lao động được đào tạo đúng ngành này chỉ đáp ứng khoảng 30% nên phải tuyển dụng các nguồn lao động từ những ngành khác như: quản trị kinh doanh. Những trường đào tạo về logistics điểm chuẩn thường cao nhất.
“Ra trường không có việc sẽ trả lại học phí”
Một ngành học cũng nhận được sự quan tâm của không ít học sinh là ngành công nghệ ô tô. Giải đáp thắc mắc về ngành học này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định đây thực sự là ngành đang “hot”. Bởi lẽ, Việt Nam đã có lộ trình hội nhập với cộng đồng các quốc gia ASEAN, và theo lộ trình đến năm 2018 thì thuế suất nhập khẩu ô tô trong khối sẽ bằng 0.
Chính vì vậy, ngành công nghệ ô tô và công nghiệp phụ trợ chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường. Tất nhiên, ngành nào “nóng” thì điểm tuyển thường cao hơn các ngành khác.
Đáng chú ý, một bạn học sinh nữ đã đặt câu hỏi liệu rằng: nữ có nên học ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí hay không? Câu hỏi này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của tất cả các thành viên trong ban tư vấn.
TS Bùi Hoài Thắng - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - khẳng định nữ hoàn toàn có thể theo học các ngành kỹ thuật cơ khí, thậm chí học tốt hơn các bạn nam trong một số ngành cụ thể, chẳng hạn như thiết kế cơ khí hoặc chế tạo máy tự động…
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cung cấp thêm thông tin, hiện nay Chính phủ đã có hẵn chính sách ưu tiên cho sinh nữ theo học các ngành kỹ thuật cơ khí. Cụ thể là sinh viên nữ sẽ được miễn giảm 50% học phí trong suốt quá trình học, ngoài ra còn được ưu tiên bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Tôi dám nói rằng bạn nữ nào tốt nghiệp nhóm ngành kỹ thuật cơ khí từ Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM ra mà không có việc làm, thì nhà trường sẽ trả lại toàn bộ học phí” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định.
“Quốc tế” là học phí cao?
Một học sinh đến từ TP Cần Thơ đã hỏi rằng: Đại học quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM có gì khác so với các trường “quốc tế” khác. PGS.TS Hồ Thanh Phong cho biết, đây là trường ĐH đầu tiên và duy nhất thuộc hệ thống ĐH công lập được Chính phủ cho phép đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
“Hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, mời giáo viên nước ngoài, chương trình học tiên tiến… cho nên học phí khá là cao, các em học sinh nên cân nhắc” - PGS.TS Hồ Thanh Phong lưu ý.
Tại các gian tư vấn của một số trường có áp dụng chương trình đào tạo nâng cao theo chuẩn quốc tế (chủ yếu là dạy bằng tiếng nước ngoài) cũng cho thấy mức học phí thường cao gấp nhiều lần so với chương trình bình thường.
Nhiều bạn học sinh tỏ ra khá hứng thú với các chương trình đào tạo theo chuẩn “quốc tế”. Không ít bạn tiến hành ghi phiếu cung cấp thông tin cho đại diện nhà trường. Tuy nhiên, khi nhìn thấy mức học phí lên tới vài chục triệu đồng cho 1 học kỳ, không ít bạn đã lắc đầu ngao ngán!
Theo báo Tuổi trẻ Online.