Nhiều doanh nghiệp logistic lo ngại, dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được Bộ GTVT xây dựng vẫn dựa trên tư duy “siết chặt”.
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), với khoảng 1.300 – 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động mạnh, số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam chiếm đa số. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế do chi phí cao. Chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chiếm gần 25% GDP (cao vào hàng nhất thế giới).
Bỏ "giấy phép con" không cần thiết
Giảm chi phí cho lĩnh vực logistics là một chủ trương đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, ông Trần Đức Nghĩa - Phó ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA) cho rằng, dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vẫn còn nhiều quy định chưa phù hợp, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử như quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa là không cần thiết vì tất cả hàng hóa lưu thông trên đường đều phải có một hoặc nhiều loại giấy tờ khác nhau để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển. Đây là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển.
Các giới hạn trách nhiệm đều đã được quy định hết sức cụ thể trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không Việt Nam và Nghị định 163/2017 về kinh doanh dịch vụ logistic.
Dự thảo Nghị định mới cũng quy định "phù hiệu" xe sẽ bị thu hồi trong một tháng nếu doanh nghiệp kinh doanh vận tải không thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo quy định. Tuy nhiên theo ông Nghĩa, quy định này không có giá trị thực tiễn. Bởi vì, đối với các doanh nghiệp vận tải, tài sản cố định lớn nhất là phương tiện vận tải. Vì vậy, bất kể là doanh nghiệp nhỏ (hiện đang có 72,4% doanh nghiệp có ít hơn 5 đầu xe) hay doanh nghiệp lớn, việc sửa chữa, bảo dưỡng luôn được coi là tâm điểm của hoạt động vận tải. Đây là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp vận tải nên không cần có các quy định về việc này. Cách thức thực hiện công tác bảo dưỡng, sữa chữa của các doanh nghiệp khác nhau, rất khó nếu buộc phải tuân thủ một quy định cụ thể nào đó của Bộ GTVT.
Cần quy định về giá sàn đền bù
Một số doanh nghiệp logistics bày tỏ băn khoăn không hiểu lý vì sao, Bao soạn thảo lại bỏ quy định mức giá sàn về bồi thường thiệt hại. Tại bản dự thảo "Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô" trước đã quy định, giới hạn trách nhiệm của người kinh doạnh vận tải hàng hóa trong việc bồi thường hàng hóa hư hỏng, mất mát, thiếu hụt là 70.000 đồng/kg hàng hóa bị tổn thất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên ở bản dự thảo gần đây trình Thủ tướng, Ban soạn thảo đã bỏ quy định này và chuyển việc giải quyết tranh chấp sang Tòa án hoặc trọng tài nếu không có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng vận tải.
Theo ông Nguyễn Đại Dương - Giám đốc Cty CP Logistic TLL, Nếu bỏ quy định về giá sàn giới hạn trách nhiệm của người vận tải thì doanh nghiệp vận tải sẽ rất khó khăn. Việc đưa ra giới hạn tối đa ở mức 70.000 đồng/kg như trong dự thảo cũ là hợp lý. Bởi vì, doanh nghiệp vận tải không thể định giá được chính xác lô hàng giá trị bao nhiêu và càng không thể căn cứ theo đúng những gì chủ hàng kê khai. Nếu trong trường hợp xảy ra hư hỏng, mất mát mà không có một mức giới hạn trách nhiệm cụ thể sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.