Đề xuất của Tư vấn Pháp đã được thảo luận công khai. Sau khi mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm. Đây là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cả dân dụng lẫn quân sự và được sử dụng lâu dài cùng sân bay Long Thành, dự kiến được hoàn thành vào năm 2025.
Thủ tướng cũng giao UBND TP HCM chủ động trong quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông quanh Tân Sơn Nhất để tránh ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn sau khi sân bay được mở rộng.
Theo đơn vị tư vấn, phương án được chọn có ưu điểm là đảm bảo được tiến độ xây dựng nhanh nhất. Việc xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu khách một năm tại khu phía nam có thể phân kỳ đầu theo tiến độ giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, giai đoạn một sẽ xây dựng trên phần đất Bộ Quốc phòng có thể bàn giao được ngay, với diện tích khoảng 16 ha, tổng thời gian xây dựng 2-3 năm. Giai đoạn hai sẽ mở rộng ga hành khách, sân đỗ tàu bay và công trình dịch vụ, thời gian thi công 1-2 năm sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Chi phí xây dựng của phương án này cũng thấp hơn so với các phương án khác. Tuyến đường nối nhà ga T3 ra đường Trường Chinh và đường giao thông giữa các nhà ga T1, T2, T3 sẽ được xây dựng, đường Hoàng Hoa Thám được mở rộng.
Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định ủng hộ phương án mở rộng về phía nam. Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao nốt 16 ha trong 36 ha đất đang quản lý để mở rộng sân bay. Các thành viên Thường trực Chính phủ cũng ủng hộ chỉ phương án chỉ nâng công suất của Tân Sơn Nhất lên 45-50 triệu hành khách chứ không thể là 60-70 triệu, vì không nước nào có sân bay quá lớn trong lòng thành phố.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện ùn tắc cả trên trời, nhà ga và các tuyến đường xung quanh vì lượng hành khách đã vượt quá công suất thiết kế.
Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 27/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chấp thuận phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 60 triệu hành khách mỗi năm, mở rộng xây dựng nhà ga hành khách cả về phía Nam (giai đoạn 2018-2020) và về phía Bắc (giai đoạn 2020-2022). Thành phố cho rằng, đây là phương án tối ưu đã được nhóm chuyên gia (do Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân lập) nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể mang lại hiệu quả đầu tư và tổ chức giao thông kết nối ra vào sân bay Tân Sơn Nhất rất thuận lợi. Theo tính toán, với hai đường cất hạ cánh hiện nay có thể nâng công suất cất hạ cánh lên 70 lượt mỗi giờ, ứng với công suất khoảng 60 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ngoài ra, do nguồn lực ngân sách đang gặp khó khăn, TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm áp lực cho ngân sách thành phố. Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như có phương án mở rộng, khai thác hiệu quả các cảng hàng không quốc tế khu vực miền Nam để giảm thiệt hại về kinh tế khi sân bay Tân Sơn Nhất vượt công suất 60 triệu hành khách một năm (dự kiến năm 2023). |