|
Cho đến năm 2015, châu Á sẽ vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới mặc dù kinh tế của khu vực này (trừ Nhật Bản) dự kiến chỉ tăng trưởng 6,8% trong năm nay, giảm so với mức 8,2% đạt được trong năm 2010.
Trên đây là nhận định trong báo cáo dự báo tình hình kinh tế tháng 3 của Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế.
EIU cho biết có hai yếu tố giúp châu Á trở thành khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, đó là mức nợ (cả nợ công và nợ tư) thấp ít ảnh hưởng tới ngành ngân hàng và sự nổi lên của Trung Quốc kéo theo sự tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.
Tuy vậy, EIU nhận định châu Á vẫn có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro, như giá lương thực và năng lượng tăng cao, bong bóng tài sản...
Trong khi đó, trong báo cáo cập nhật hiện trạng kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 21/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi các nền kinh tế Đông Á tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Báo cáo "Đảm bảo hiện tại, định hình tương lai" của WB nhấn mạnh lạm phát vẫn là thách thức lớn nhất hiện nay của các nền kinh tế khu vực. Giảm lạm phát hiện là lựa chọn chính sách đặc biệt khó khăn đối với các nền kinh tế thu nhập trung bình ở Đông Á trong bối cảnh giá hàng hóa và lương thực tăng cao và dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào các nước này.
Trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, Đông Á có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh nếu thực hiện thành công các quyết định kinh tế táo bạo để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các thách thức trung hạn như đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực, giảm bất công kinh tế xã hội, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất và tiêu thụ.
Báo cáo của WB cho rằng tăng trưởng kinh tế của Đông Á và Thái Bình Dương vẫn mạnh đáng ngạc nhiên nhờ hiệu quả của các biện pháp thúc đẩy tài chính và tiền tệ cũng như nhu cầu tăng cao ở nước ngoài. Năm 2010, tăng trưởng khu vực đạt 9,6% và trong năm 2011 và năm 2012 dự kiến đạt 8,2% và 7,9%.
Cùng ngày, tập đoàn tài chính Mỹ Bloomberg và JPMorgan đã xác nhận tỷ giá hối đoái của các đồng tiền châu Á đang có xu hướng tăng giá mạnh sau nỗ lực của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngăn chặn sự tăng giá của đồng yen Nhật Bản nhằm ổn định thị trường và gia tăng nhu cầu đối với các tài sản ở các thị trường mới nổi.
Trong ngày thứ ba liên tiếp, đồng đôla Singapore đã tăng giá 0,6%, đồng ringgit Malaysia tăng 0,4%, đồng đôla Hong Kong và đồng won Hàn Quốc đều tăng giá 0,2%.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng 0,11%, đạt mức cao nhất trong vòng 17 năm qua sau khi nước này yêu cầu các ngân hàng tăng mức dự trữ ngoại tệ bắt buộc lần thứ ba trong năm nay. Đồng rupiah Indonesia tăng 0,4%, mức tăng cao nhất trong 4 năm qua.
Theo Vietnam+
|