Sau khi thực hiện Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT về kiểm soát chặt các loại mặt hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật theo Luật An toàn thực phẩm (đều có hiệu lực từ ngày 1-7), hiện nay hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu, bến cảng.
Đề nghị lùi thời hạn
Theo Thông tư 13, các loại hàng như rau củ quả nhập khẩu phải đáp ứng 3 quy định của Việt Nam là sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm, được bao gói hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp, ghi nhãn bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt và đã được kiểm tra và chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định. Nếu không đáp ứng được 3 điều kiện trên sẽ buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy.
Trước khi đưa vào thực hiện, thông tư đã được đưa ra bàn thảo với các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội gần 1 năm trời. Sau khi có hiệu lực, các doanh nghiệp kêu trời, đề nghị được lùi thời hạn áp dụng.
Lô hàng đầu tiên đang ùn ứ ở cảng là gần 300 container điều vừa được nhập về. Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, do hàng ùn ứ nên các doanh nghiệp “đói” nguyên liệu, lại phải lo thêm chi phí lưu kho, khó khăn càng thêm khó khăn. Vì vậy, hiệp hội là đơn vị đầu tiên đề nghị Bộ NN-PTNT lùi thời hạn áp dụng Thông tư 13 đến ngày 30-9-2011.
Còn theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, các lô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về cũng đang ùn ứ ở cảng. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thông tư mà Bộ NN-PTNT đưa ra.
Tuy nhiên, riêng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái… nơi có lưu lượng nông sản khổng lồ như rau củ quả nhập vào Việt Nam, không hề xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, lượng hàng đưa vào nước ta ít hơn, do các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn lo ngại, nghe ngóng chính sách kiểm soát của Việt Nam.
Kiên quyết siết chặt
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản khẳng định, các doanh nghiệp đề nghị lùi thời hạn áp dụng Thông tư 13 là không hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Hào, trong giai đoạn chuyển tiếp, những lô hàng nhập khẩu được ký trước ngày 1-7, sau khi lấy mẫu kiểm tra sẽ cho thông quan, dù nước xuất khẩu chưa làm thủ tục đăng ký với Việt Nam.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện có khoảng 20 nước xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này, mới có 5 nước đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam. Trong đó, Mỹ và Thái Lan đã được chấp nhận, còn lại 3 nước Canada, Australia và Trung Quốc là tạm thời chấp nhận, do hồ sơ còn một vài điểm chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Hào cho biết: “3 nước này được gia hạn đến ngày 1-8-2011 để hoàn thiện hồ sơ. Nếu hết thời hạn 1 tháng mà không đáp ứng, phía Việt Nam sẽ xem xét thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư 13”. Trong khi đó, về các sản phẩm nông sản nhập khẩu có nguồn gốc động vật như thịt, cá, tôm… theo quy định của Thông tư 25, hiện đã có 28 nước đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam và 20 nước đăng ký xuất khẩu nhóm sản phẩm động vật trên cạn.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản khẳng định: “Việt Nam sẽ không nhân nhượng trong việc thực hiện Thông tư 13. Các nước có hàng hóa nông sản xuất khẩu buộc phải thực hiện theo quy định của Việt Nam. Nước nào không thực hiện sẽ cho dừng hàng hóa tại tất cả các cửa khẩu, sân bay, bến cảng”.
Theo SGGP