Chiều 22-8, giá vàng bất ngờ vọt lên 48,7 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới vượt qua 1.890 USD/ounce.
So với cuối tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng 1,15 triệu đồng/lượng, doanh số giao dịch tại các công ty vàng tăng 7-8 lần so với cuối tuần trước.
Cuối ngày giá vàng thế giới giảm còn 1.869 USD/ounce, tương đương 47 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước cũng giảm mạnh, còn 48,35 triệu đồng/lượng sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp chuẩn bị phương án đối phó nếu trong nước lại xảy ra cơn sốt vàng. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cuối ngày còn 1,15 triệu đồng/lượng.
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty vàng SBJ, cho biết doanh số giao dịch lên đến 7.000-8.000 lượng. Tại Công ty PNJ số vàng bán ra trong ngày 22-8 đạt 2.400 lượng, trong khi mua vào chỉ 625 lượng.
Giá vàng trong nước liên tục bị đẩy lên do cầu nhiều hơn cung và các công ty vàng đã sử dụng hầu hết hạn ngạch nhập khẩu được cấp. Ghi nhận thị trường tại thời điểm từ 14g-15g cũng là thời điểm giá vàng nóng sốt nhất cho thấy tại các cửa hàng vàng tái diễn cảnh mỗi nơi mỗi giá. Nhiều tiệm vàng tại chợ Tân Định (TP.HCM) kéo giãn khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến 900.000 đồng/lượng nhằm hạn chế mua bán.
Chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) cho biết một vài người có tiền nhàn rỗi đã mua 1-2 lượng, có trường hợp mua 4-5 lượng.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng cũng xuất phát từ nhu cầu cắt lỗ của người vay nợ vàng ngân hàng. Trong khi đó do nguồn cung khan hiếm dẫn đến tình trạng rượt đuổi giá vì sau khi bán ra các đơn vị kinh doanh không thể mua lại với giá cũ. So với cuối tuần trước, giá vàng đã tăng tổng cộng 1,55 triệu đồng/lượng. Công ty vàng SJC điều chỉnh giá 15 lần trong ngày.
Cùng với vàng, tỉ giá USD tại ngân hàng và thị trường tự do bắt đầu căng thẳng. Chiều 22-8 giá bán USD tự do đã vượt 21.000 đồng/USD, trong khi giá bán sỉ chốt ở 20.950 đồng/USD. Nhiều tiệm vàng chủ động găm hàng bằng cách chỉ mua vào chứ không bán ra. Giá mua USD của khách hàng cá nhân cũng lên đến 20.850 đồng/USD, cao hơn 40 đồng/USD so với giá mua tại ngân hàng.
Trong khi đó giá bán USD tại các ngân hàng neo ở mức trần suốt 10 ngày qua, chênh lệch giữa giá mua chuyển khoản và giá bán chỉ còn 14 đồng/USD, trong khi trước đây lên đến vài chục đồng. Một số doanh nghiệp nhập khẩu cho biết sau một thời gian dài tạm lắng, đã xuất hiện tình trạng ngân hàng bán USD hai giá thông qua việc thu thêm một số loại phí, đẩy giá USD vượt trần quy định.
Theo các bản tin phân tích, giá vàng thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những chỉ số kinh tế công bố không tốt cuối tuần trước, trong đó lãi suất thấp của Mỹ và tình trạng phức tạp tại EU tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua vàng với mục đích an toàn. Giá vàng thế giới cũng tăng mạnh do những thông tin không mấy lạc quan từ Libya.
Theo TTO