Ngay trong chiều tối ngày biến loạn của giá vàng (26.9), NHNN đã phát đi thông điệp đang theo dõi sát diễn biến thị trường và cho phép NK vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, dù diễn biến đồng pha với giá vàng quốc tế, song mức chênh lệch giữa hai thị trường dù được rút ngắn lại nhưng vẫn ở mức trên 3 triệu đồng/lượng. Nhiều người đã tỏ ra lo ngại về biện pháp cấp quota nhập khẩu sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Chưa có quota nhập vàng
Ngày 27.9, giá vàng thế giới đảo chiều tăng trở lại sát ngưỡng 1.680USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng tăng trở lại và dao động trong biên độ từ 44,8 – 45,7 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, tính tới thời điểm này, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,64 triệu đồng/lượng (chưa tính phí vận chuyển và phí gia công). Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đã được các DN thu hẹp xuống còn 400.000 đồng/lượng, riêng tại Bảo Tín Minh Châu cùng thời điểm mức chênh lệch mua – bán vẫn tới 900.000 đồng/lượng.
Trở lại với câu chuyện NK vàng của NHNN, có nguồn tin cho biết ngay sau khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đi công tác về nước đã có buổi họp về vấn đề này. Tuy nhiên, tới cuối chiều 27.9 vẫn chưa có con số nào về việc NHNN sẽ cấp quota cho các DN vàng được NK bao nhiêu đợt này. Một số DN được cấp hạn ngạch đợt trước cho biết, tới thời điểm này cũng chưa nhận được quota NK vàng. Trước đó, trong ba đợt quota trước, theo một số thông tin thì tổng hạn ngạch cả ba đợt là 14 tấn vàng. Tuy nhiên, dường như số vàng này chỉ như muối bỏ bể trước nhu cầu của người mua, như một số DN kinh doanh vàng phản ánh.
Khi được hỏi về việc liệu cách thức cấp hạn ngạch NK theo từng đợt như hiện nay có giải quyết được vấn đề của thị trường trong nước không, Viện phó Viện Nghiên cứu giá cả Vũ Đình Ánh cho rằng, việc cấp hạn ngạch như hiện nay chưa giải quyết được vấn đề cơ bản là giải quyết cơ chế quản lý để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới. “Vấn đề quản lý thị trường vàng cần tập trung thống nhất vào NHNN để phù hợp với bản chất và vai trò của vàng trong nền kinh tế tài chính. NHNN cần thống nhất quản lý cả thị trường này, nhằm đảm bảo tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế” - ông Ánh nói.
Đề xuất 6 giải pháp cho thị trường
Vậy NHNN thống nhất thực thi vai trò quản lý thị trường vàng bằng cách nào? Ông Ánh đưa ra 6 giải pháp, trong đó chuyên gia này cho rằng, NHNN cần phải là người trực tiếp đứng ra làm đầu mối NK vàng nguyên liệu thay vì cấp quota cho một vài đầu mối như hiện nay. “Vì việc cấp quota cho một vài đầu mối sẽ tạo ra cơ chế xin – cho, lại vừa gây áp lực lên thị trường ngoại hối khi phó mặc nguồn ngoại tệ để NK vàng cho các DN đầu mối tự lo. Bên cạnh, NHNN cũng có cơ sở để kiểm soát và ngăn chặn hiện tượng nhập lậu vàng” - ông Ánh phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng, NHNN nên thống nhất đúc vàng tiền tệ tương tự như độc quyền in VND.
“Cơ sở kinh doanh vàng tiền tệ thuộc loại kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp phép hoạt động. Phương án tốt nhất là giao cho hệ thống các NHTM hiện nay vì hệ thống này có mạng lưới giao dịch, trình độ quản lý thích hợp để thực hiện. Những cơ sở kinh doanh vàng còn lại, kể cả đầu mối NK vàng hiện tại mà không được NHNN cấp phép thì chỉ được kinh doanh vàng hàng hóa” - ông Ánh đề xuất.
Theo Lao Động