Dù ngành thú y đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra thịt đông lạnh nhập khẩu nhưng hàng kém chất lượng vẫn bằng đủ mọi cách tuồn vào thị trường Việt Nam
Mới đây, cơ quan chức năng tại TPHCM phát hiện gần 15 tấn thịt bò đông lạnh nhập khẩu kém chất lượng với biểu hiện thịt đã chuyển màu xanh đen, bốc mùi. Lô hàng này có giấy chứng nhận của cơ quan thú y Hải Phòng nhưng trên bao bì không ghi rõ xuất xứ, hạn sử dụng... Thế nhưng lô hàng kém chất lượng này vẫn vượt hàng ngàn km “lọt” vào kho lạnh tại TPHCM.
Tạm nhập, không tái xuất
Theo giới kinh doanh thực phẩm, tại nhiều nước, các sản phẩm thịt đông lạnh thường có 2 loại A và B. Loại A là loại thịt đã được nhà sản xuất chọn lọc sản phẩm dành cho người, còn loại B là dạng hàng xô chưa qua phân loại. Vì vậy, hàng B có giá bán thấp, thường chỉ bằng khoảng 50% hàng loại A do loại này thuộc dạng kém chất lượng dễ bị nhiễm khuẩn. Chẳng hạn, mặt hàng chân gà, nếu là hàng loại B giá nhập khẩu chỉ 800 USD/tấn (giá về đến Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/kg), trong khi hàng loại A giá 1.500 USD/tấn. Mặt hàng cánh gà, giá loại B 1.900 USD/tấn (khoảng 43.000 đồng/kg), trong khi loại A lên đến 2.700 USD/tấn.
Giới chuyên môn cho biết nguồn hàng loại B thường được nhập về một số cảng, trong đó có cảng Hải Phòng theo dạng tạm nhập tái xuất mà trên giấy tờ phần lớn là tái xuất sang Trung Quốc (mỗi tháng có từ 200 - 250 container về cảng này)... Nguồn hàng này sau khi làm thủ tục rời cảng Hải Phòng sẽ được vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu Móng Cái.
Tuy nhiên, trong thực tế trên đường vận chuyển, lượng hàng bị “cắt” đến 70% - 80% để tiêu thụ trong nước (chủ yếu cho thị trường phía Bắc và một số địa phương phía Nam). Lượng hàng được vận chuyển ngược vào phía Nam sẽ được “phù phép” tập kết vào các kho lạnh (nhất là các kho lạnh ở Bình Dương) bằng cách chất lẫn lộn trong các lô hàng đã được kiểm dịch nhằm qua mặt cơ quan chức năng…
Gần đây, mặt hàng thịt gà đông lạnh nhập khẩu còn được giới kinh doanh “quá giang” cảng Cát Lái (TPHCM) chuyển về kho ngoại quan Hiệp Thành (Tây Ninh) để thông quan rồi bán qua cửa khẩu Mộc Bài dưới hình thức miễn thuế nhập khẩu 17% (mỗi tháng có từ 30 - 40 container về kho này). Nhưng trên thực tế, thịt đông lạnh bán miễn thuế tại Mộc Bài chỉ chiếm số lượng nhỏ, còn phần lớn hàng được tung ra thị trường để tiêu thụ.
Theo Cơ quan Thú y vùng 6, trong 9 tháng đầu năm nay đã có khoảng 74.000 tấn thịt đông lạnh nhập về các cảng tại khu vực TPHCM. Trong đó, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra, phát hiện được 150 tấn thịt đùi gà, thịt gà xay… không đạt chất lượng buộc phải tái xuất.
Đối tác tráo hàng đểu
Theo một số doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh, nguồn thịt bẩn vào Việt Nam không chỉ do một số DN trong nước cố tình gian lận bằng cách nhập hàng giá rẻ không bảo đảm chất lượng mà nhiều trường hợp còn bị phía đối tác tráo hàng. Nhiều đối tác sẵn sàng giảm giá mạnh cho khách hàng nhưng sau đó lại giao hàng kém chất lượng hoặc tìm cách bắt chẹt DN trong nước.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, phụ trách kinh doanh Công ty CP Thương mại Hoàn Cầu, cho biết tháng 5- 2011, công ty ông có mua của công ty M. (có trụ sở tại Đức) 7 container thịt gà (mỗi container 25 tấn). Công ty đã nhận được 2 container và đã thanh toán 80.000 USD nhưng khi dỡ hàng mới biết chất lượng kém không như hợp đồng. Đến tháng 6-2011, Công ty Hoàn Cầu nhận tiếp 5 container còn lại. Do nghi ngờ chất lượng kém nên đơn vị đã mời cơ quan thú y lấy mẫu kiểm tra và đã phát hiện hàng không đạt chất lượng. Khi yêu cầu trả lại hàng và lấy lại tiền đặt cọc 41.000 USD thì công ty M. viện đủ lý do để thoái thác…
Lãnh đạo Công ty Hưng Lộc Phát (TPHCM) cũng kể: Khoảng một tháng trước, DN ông đặt mua 2 container cá hồi của công ty M. nhưng không được giao hàng như thỏa thuận. Mãi đến tháng 9 vừa qua, phía đối tác mới thông báo giao hàng. Kiểm tra hồ sơ ở hãng tàu cũng như cảng nhập hàng cho thấy đúng là có lô hàng giao cho Hưng Lộc Phát đang trên đường vận chuyển, do đó công ty đã chuyển 10.000 USD cho công ty M. Tuy nhiên sau đó hàng không đến Hưng Lộc Phát mà bị công ty M. bán cho một DN khác. Công ty đòi lại tiền đặt cọc, họ không trả mà viện đủ lý do, thậm chí đòi phải thanh toán thêm chi phí vận chuyển, lưu kho... mới giao hàng.
Tại hội chợ Food Hotel diễn ra ở TPHCM mới đây khi phát hiện có gian hàng của công ty M. tham gia, một số DN trong nước từng bị nạn đã kéo đến đòi giải quyết nhưng không gặp được ông chủ thật sự.
Bắt giữ 21 tấn thực phẩm nhập lậu
Ngày 4-10, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra một điểm chứa hàng ở quận 6 phát hiện 21 tấn hàng có nguồn gốc Trung Quốc nhưng không có hóa đơn chứng từ. Nguồn hàng bao gồm 16 tấn bột ngọt, 4,9 tấn rong biển. Trước đó, cơ quan chức năng kiểm tra khu vực chợ Tam Bình (quận Thủ Đức) cũng đã bắt giữ số lượng lớn bột ngọt nhập lậu giả nhãn hiệu của Ajinomoto. k |
Theo NLĐ