|
Dự thảo văn bản về điều kiện kinh doanh cà phê đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành có liên quan.
Ông Phan Hữu Đễ, Tổng thư ký Hiệp Hội Cà phê - Cao cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, ở Việt Nam hiện có trên 150 doanh nghiệp đang tham gia vào xuất khẩu cà phê. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quá lớn đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán gây ảnh hưởng không tốt đối với uy tín và chất lượng của sản phẩm cà phê Việt Nam.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng dự thảo về điều kiện kinh doanh cà phê. Theo đó, thời gian tới, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê có thể sẽ phải thỏa mãn các điều kiện như: 2 năm liên tục lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm; có kho chứa và khả năng chế biến tối thiểu là 5.000 tấn/năm; minh bạch về tài chính...
Đối tượng áp dụng là cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê.
Như vậy, sau mặt hàng gạo, cà phê là cũng được xác định là mặt hàng kinh doanh xuất khẩu buộc doanh nghiệp phải chứng minh có đủ điều kiện.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức có văn bản gửi Bộ Công Thương và nhất trí rằng việc quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu cà phê là cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.
Về phía Vicofa, ông Đễ cho rằng, khi điều kiện kinh doanh cà phê được ban hành, ước tính chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu mặt hàng này.
9 tháng qua, xuất khẩu cà phê đạt 994 nghìn tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 8,9% về lượng nhưng tăng tới 66,5% về giá trị so với với 2010. Theo ước tính của Vicofa, cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn cà phê, thu về 2,6 tỷ USD. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay của xuất khẩu cà phê. “Niên vụ cà phê 2011/2012, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ đạt trên 1 triệu tấn, tương đương với sản lượng của niên vụ trước. Xuất khẩu mặt hàng này thời gian tới theo dự báo vẫn tiếp tục gặp thuận lợi về giá”, ông Đễ cho biết thêm.
Theo VnEconomy
|