|
Tại Hội thảo “Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và XK hàng Việt” ngày 13.10, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài - cho rằng, thương hiệu Việt chưa đủ sức bước ra thị trường nước ngoài một cách độc lập, nhất là những thị trường khó tính như EU và Mỹ.
Trên thực tế, người VN kinh doanh ở nước ngoài cũng đa phần là chọn hàng Trung Quốc (TQ), Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... để bán, vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và phong phú, được người tiêu dùng ưa thích.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” đã được phát động đến cộng đồng 4 triệu kiều bào ở nước ngoài thông qua hơn 90 cơ quan đại diện của VN. Song khó khăn vẫn nằm ở chất lượng và mẫu mã hàng VN chưa đủ thuyết phục khách hàng quốc tế và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho hay, dù kim ngạch XK của VN đạt khoảng 70 tỉ USD, nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép, càphê, gạo... đạt giá trị XK trên 1 tỉ USD, nhưng người Việt ra nước ngoài ít khi thấy nhãn hiệu hàng hóa VN. Nguyên nhân bởi “hàng XK của VN hiện nay vẫn đa phần là gia công cho nước ngoài, hoặc cung cấp nguyên liệu ở dạng thô” - ông Mỹ lý giải.
“Ngay tại sân nhà, hàng VN cũng đang bị hàng TQ lấn lướt. Theo một công bố khảo sát gần đây, hàng TQ chiếm tới hơn 80% hàng hóa ở chợ Đồng Xuân - chợ trung tâm tại Hà Nội. Vậy nên tìm giải pháp nào cho hàng Việt Nam ra nước ngoài?” - ông đặt câu hỏi.
Ông Phạm Ngọc Chu – Chủ tịch Hội DN VN tại Hungary - khẳng định: Đại đa số các DN VN ở nước ngoài không tiêu thụ hàng VN. “Không phải vì chúng tôi không yêu nước, mà bởi hàng VN rất khó bán hoặc nếu có bán thì doanh thu không cao. Trong lúc chúng tôi chịu đủ các loại chi phí hằng ngày rất lớn và áp lực cạnh tranh cao” - ông Chu cho hay.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Trung Thực - Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ Việt – Đức - cho rằng, kinh doanh là sòng phẳng. “Không thể nói nếu tôi yêu nước thì tôi phải bán hàng Việt, dù lỗ nặng. Chúng ta cần khuyến khích các DN trong nước ký hợp đồng kinh tế với các cơ sở kinh doanh của người Việt ở nước ngoài. Liên kết giữa các nhà kinh doanh phải bằng lợi nhuận, chứ không phải liên kết bằng tình cảm. Còn nếu cứ hô hào, kêu gọi lòng yêu nước thì nó sẽ chỉ dừng ở chủ trương” - ông thẳng thắn.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, hàng VN - kể cả sản phẩm XK - vẫn chưa đầu tư nhiều để nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, việc quảng bá cho thương hiệu Việt vẫn ở mức tự phát, chứ chưa có một chiến lược tầm cỡ quốc gia. Ông Phạm Ngọc Chu (Hungary) khuyến cáo, việc xây dựng chiến lược XK hàng VN ra nước ngoài là yếu tố “sống còn”.
Ông Bùi Xuân Hải – Giám đốc Khu công nghệ đồ cổ Đồ Sơn – đồng tình cho rằng, VN chưa có chiến lược cụ thể để đưa hàng Việt ra thế giới. Song ông đề nghị khối DN Việt kiều cần trợ giúp các DN trong nước. “Lượng kiều hối mà kiều bào gửi về đã đến 8-9 tỉ USD, bằng vốn ODA của nước ngoài. Vì vậy, tôi mong khối DN Việt kiều hãy cộng tác và giúp đỡ DN trong nước phát triển” - ông Hải đề nghị.
Theo Lao Động
|